Cựu Tổng thống Đông Timor hiến kế "ép" Trung Quốc trên Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình Jose Ramos Horta chia sẻ về tình hình Biển Đông trong cuộc phỏng vấn phát sóng trên tờ Bloomberg.

Trong cuộc trò chuyện này, cựu Tổng thống Đông Timor Horta đưa ra một nhận định chắc chắn rằng, không quốc gia nào trong vụ tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông sẽ chịu nhường bước cả.
“Chắc chắn, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines hay Việt Nam đều sẽ không lùi bước trước những tuyên bố chủ quyền của họ. Vì vậy, họ sẽ cần đi tới một thỏa hiệp. Và thỏa hiệp tốt nhất đối với các bên là hướng tới sự phát triển chung trong khu vực. Đó là lợi ích tốt nhất cho các mối bên và cho cả khu vực”, ông cho hay.
 Ông Jose Ramos Horta phát biểu trong một hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS ) tháng 5/2013.
Trên cương vị là đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) kiêm người đứng đầu Văn phòng hỗn hợp xây dựng hòa bình Liên Hiệp Quốc (UNIOGBIS) ở Guinea-Bissau còn cho rằng, cơ quan LHQ như tòa án trọng tài quốc tế cũng khó lòng giải quyết được cuộc tranh chấp lãnh thổ, mà gần đây leo thang sau động thái hạ đặt giàn khoàn dầu Hải Dương 981 trái phép nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Một lý do khiến điều này không khả thi, theo ông Horta, là Bắc Kinh ngang ngược không tuân thủ nghiêm túc các điều khoản trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), cũng như không muốn bên thứ 3 như Mỹ can dự vào việc này.
“LHQ không phải là diễn đàn duy nhất để các bên đưa cuộc tranh chấp ra thảo luận. Nếu Trung Quốc không mong muốn Mỹ nhảy vào, đó cũng là một điều tốt. Chúng ta còn có các phương án khác. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tất cả các bên nên bắt đầu ngồi vào bàn để thảo luận về các căng thẳng leo thang trong khu vực”.
Ông giải thích cho câu nói trên của mình một cách cụ thể rằng, lựa chọn tốt nhất với các bên có tuyên bố chủ quyền trong cuộc tranh chấp lãnh thổ là các bên hãy gặp gỡ và nói chuyện với nhau một cách hòa bình.
“Giải pháp duy nhất dành cho những nhà lãnh đạo trong khu vực đó là xuống thang căng thẳng, hạ giọng trong các phát ngôn và cùng nhau ngồi nói chuyện”, ông Horta nói.
Thanh Nga (theo PS)