Dân Ukraine nghĩ gì về cuộc bầu cử quốc hội?

Google News

(Kiến Thức) - Theo AP, người dân Ukraine không hào hứng với cuộc bầu cử Quốc hội nước này khi chiến sự vẫn tiếp diễn ở miền đông.

Người dân Ukraine không chú ý đến bầu cử
Trong cuộc phỏng vấn với AP, cô Evelina Martirosyan nhớ lại sự phấn khích của cô khi tham gia vào cuộc biểu tình đã làm thay đổi lịch sử của Ukraine. Tuy nhiên, cô Evelina Martirosyan cũng cho biết, kể từ cuộc cách mạng đã lật đổ ông Yanukovych, ước mở về một tương lai tươi sáng hơn đã bi làm lu mờ bởi chiến tranh miền đông và sự sụp đổ kinh tế.
Cô Evelina Martirosyan chụp ảnh ở Quảng trường Độc Lập, Kiev. 
Cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine vào ngày 26/10 hứa hẹn sẽ có một lớp chính trị gia mới, nhưng với hàng triệu người dân Ukraine, sự thay đổi không đồng nghĩa với việc phát triển.
“Có thể sẽ có những chính trị gia mới, nhưng mọi thứ vẫn sẽ y như cũ”, cô Martirosyan cho biết.
Mới chỉ 25 tuổi, cô Martirosyan đủ trẻ để có những ký ức mạnh mẽ về quá khứ của đất nước khi còn thuộc Liên Xô cũ. Quyết định của cô khi tham gia vào cuộc biểu tình ở Maidan bắt nguồn từ sự giận dữ trước quyết định của Tổng thống Viktor Yanukovych liên quan đến việc đóng băng quan hệ với Liên minh châu Âu. Và khi Tổng thống Yanukovych chạy trốn vào tháng 2, đã có những sự phấn khích rõ ràng liên quan đến việc Ukraine bước vào kỷ nguyên mới với sự đổi mới quan hệ với phương Tây.
“Khi đó, chúng tôi có một niềm tin vững mạnh rằng một điều gì đó sẽ xảy ra", cô Evelina Martirosyan hồi tưởng.
"Tuy nhiên, với mùa đông lạnh giá đang chuẩn bị bao trùm Ukraine, mọi suy nghĩ của chúng tôi lại chỉ còn xoay quanh cách để tồn tại qua ngày", cô ngao ngán cho hay.
Khi chính phủ đang phải thắt chặt chi tiêu để cứu vãn nền tài chính đang sụp đổ, những người bình thường đang tìm cách tiết kiềm tiền để đảm bảo rằng họ có đủ tiền để chi tiêu cho việc sưởi ấm gia đình trong những tháng lạnh nhất. Tỷ lệ thất nghiệp và lương thấp đang làm cho rất nhiều người Ukraine phải ra nước ngoài làm việc để kiếm tiền. Với dự kiến nền kinh tế sẽ suy giảm 6.4% trong năm 2014, việc mất lao động trong nước sẽ không thể cứu vãn trong một sớm một chiều – gây ra rắc rối dài hạn cho nền kinh tế.
Trong khi đó, các loại xe như Bentley, Porche, Jaguar và Range Rover vẫn đang diễu hành trên đường phố Kiev – một biểu tượng cho khoảng cách giàu nghèo trong thành phố mà mức lương trung bình hàng tháng là 600USD. Tuy nhiên, số tiền 600 USD không còn nhiều ý nghĩa với lạm phát ở Ukraine.
Tranh cổ động ở Quảng trường Độc Lập, Kiev. 
Ông Kuznetsov và người con trai 28 tuổi của mình , Ihor, đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ của phong trào biểu tình Maidan khi họ bị chụp ảnh khi đang bị đánh đập bởi cảnh sát chống bạo động.
“Phải thừa nhận, những kỳ vọng về một xã hội tốt vượt qua khả năng của bất kỳ hệ thống chính trị nào có thể cung cấp. Nhưng những người điều hành Ukraine không xứng đáng với những người đã mất ở Maidan”, ông Mykola Kuznetsov cay đắng nhận xét.
Ông Kuznetsov cho biết rằng đó là một việc khó để tập trung vào việc bầu cử khi cuộc chiến tranh vẫn đang diễn ra ở miền Đông bất chấp có một thỏa thuận ngừng bắn được ký hồi tháng 9.
"Những chàng trai của Ukraine đang chết trên chiến trường. Tất cả suy nghĩ của chúng tôi đều tập trung vào làm thế nào để giúp họ", ông Kuznetsov than thở.
Nhiều người dân Ukraine đã bỏ ra của cải để hỗ trợ cho các lực lượng thân Kiev chiến đấu ở miền đông. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này cũng vô tình thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ukraine. Vào tháng 9, hàng trăm binh sĩ từ tiểu đoàn tình nguyện Azov đã có một cuộc diễu hành ở Kiev mà đỉnh điểm là khi đám đông đã hô vang khẩu hiệu được đặt ra bởi Quân đội Ukraine hồi thế chiến II khi họ là đồng minh của quân Đức quốc xã.
Việc bầu cử cũng bị thờ ơ ở khu vực miền Đông.
Tại lối vào của Mariupol – một thành phố cảng chỉ cách khu vực quân ly khai miền đông một vài km – binh lính tại những cửa khẩu không thể hiện mối quan tâm gì đến cuộc bầu cử.
Chiến sự vẫn tiếp diễn ở miền đông. 
“Các cuộc bầu cử hoàn toàn là không cần thiết trong thời điểm này,” Yaroslav Bondarenko – một binh sĩ cho biết. “Việc tranh nhau các vị trí trong Quốc hội khi mà người dân đang hi sinh vì chiến tranh, tôi không biết phải gọi việc này là gì nữa”.
Tại các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của quân ly khai, nơi hàng trăm nghìn người đang sinh sống, không có ai sẽ được đi bầu cử bởi vì quân ly khai không còn chấp thuận như là một phần của Ukraine.
Thay vào đó, họ có kế hoạch bầu cử riêng của mình vào tháng 11 tới mà họ hy vọng sẽ có thể lập ra được một chính quyền mới thông qua bầu cử.
Lãnh đạo quân ly khai Donetsk Alexander Zakharchenko cho biết: “Chính phủ Donetsk hiện tại không phải những người mà được bầu cử bởi mọi người. Một cuộc bầu cử là một viên gạch để giúp xây dựng một chính phủ tôt và có thể làm điều tốt cho nhân dân của họ”.
Nguyễn Trung