Trong bối cảnh đó, ngày 30/7, Campuchia đã bổ nhiệm Phó Tư lệnh quân cảnh quốc gia, Đại tướng Pi Sen, thay Trung tướng Da Kim Ay làm Tư lệnh quân cảnh thủ đô Phnom Penh. Quyết định trên được đưa ra chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa 5 diễn ra hôm 28/7 vừa qua.
Một số nguồn tin cho rằng Trung tướng Da Kim Ay bị cho là chịu trách nhiệm về việc để xảy ra vụ xung đột giữa các cử tri ủng hộ Đảng Cứu quốc Campuhia (CNRP) đối lập với lực lượng quân cảnh ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh vào thời điểm diễn ra bầu cử, khiến 2 xe quân cảnh đang làm nhiệm vụ bị lật đổ và đốt cháy.
Lực lượng quân cảnh đã không có phản ứng nào đối với những cử tri quá khích này. Ngay buổi tối 28/7, nhiều ngả đường vào một số vị trí trong thủ đô, trong đó có dinh thự riêng của Thủ tướng Hun Sen, đã bị phong tỏa.
Phe đối lập tố cáo có gian lận bầu cử
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền tuyên bố giành chiến thắng cuộc bầu cử Quốc hội ngày 28/7/2013, nhưng cũng bị mất 22 ghế so với năm 2008. Kết quả bầu cử cho thấy phe đối lập đang trỗi dậy mạnh mẽ và từ nay, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập của ông Sam Rainsy đã trở thành một sức mạnh chính trị không thể bỏ qua.
|
Thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy bác bỏ kết quả bầu cử.
|
Tuy nhiên, CNRP lại không thừa nhận kết quả bầu cử và cho rằng có gian lận. Các đại diện của CNRP tố cáo rằng một số cử tri đến nơi bầu cử thì phát hiện đã có người bầu thay cho họ. Đảng đối lập còn kêu gọi thành lập một hội đồng giám sát do Liên Hợp Quốc chủ trì để điều tra về việc cáo buộc có gian lận trong bầu cử.
Thế nhưng, một ngày sau khi cuộc bầu cử Quốc hội khóa 5 tại Campuchia kết thúc, Tổ chức Đại hội quốc tế các chính đảng Châu Á (ICAPP) và Hiệp hội các đảng dân chủ Châu Á-Thái Bình Dương (CAPDI) tuyên bố cuộc bầu cử Quốc hội khóa 5 ở Campuchia, ngày 28/7 đã diễn ra tự do, công bằng, chính xác, minh bạch, không bạo lực.
Tại cuộc họp báo báo tổ chức ở Phnom Penh sáng 29/7, Chủ tịch CAPDI, ông Jose Devenecia nhấn mạnh rằng tổng kết hoạt động giám sát bầu cử cho thấy cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa 5 đã thành công, kết quả bầu cử phản ảnh ý nguyện của cử tri, cho thấy dân chủ ở Campuchia đã được củng cố.
Thủ tướng Hun Sen không chịu từ bỏ quyền lực
Thủ tướng Hun Sen, 61 tuổi, đã lập kỷ lục là lãnh đạo chính trị cầm quyền lâu nhất châu Á, trong gần ba thập niên. Và nếu CPP được Ủy ban bầu cử Campuchia tuyên bố thắng cử, ông Hun Sen sẽ tiếp tục làm thủ tướng thêm 5 năm nữa.
|
Thủ tướng Hun Sen không chịu từ bỏ quyền lực.
|
Trong chiến dịch tranh cử, Thủ tướng Hun Sen đã nêu ra hai lập luận chính để chứng tỏ những thành quả to lớn trong thời gian ông cầm quyền.
Thứ nhất, ông đã đưa đất nước Campuchia trở lại bình thường và ổn định sau được giải phóng năm 1979.
Thứ hai, ông tự nhận đã mang lại phồn thịnh và cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng cho đất nước. Ngày nay, đường sá, phương tiện đi lại và khu vực đô thị nhiều hơn trước. Công nghiệp phát triển hơn, tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho dân chúng.
Kể từ tháng 5/1993, các chính phủ do CPP cầm đầu đã liên tiếp thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như đường giao thông, cầu, trường học, bệnh viện, chùa, đập nước, đê điều… thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và củng cố ổn định chính trị.
Trong khi đó, thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy - 64 tuổi và có hộ chiếu Pháp - muốn xóa bỏ hệ thống chính trị bị cáo buộc là gia đình trị và tham nhũng. CNRP chủ yếu tập trung khoét sâu một số thiếu sót của CPP - trong đó có vấn đề nhân quyền, chênh lệch giàu-nghèo đi kèm với tăng trưởng kinh tế nhanh. CNRP cho rằng các quan chức CPP không làm bất cứ điều gì khác ngoài mưu cầu lợi ích cá nhân.
Thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy lại hứa hẹn khá nhiều như tăng lương cho công chức nhà nước, cho những người ngoài 65 tuổi quyền về hưu, tăng mức lương tối thiểu, đảm bảo giá cả cho các mặt hàng thức ăn, hạ giá xăng, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo… Và những hứa hẹn chưa có gì kiểm chứng này đã giúp CNRP tăng gần gấp đôi số ghế của đảng trong Quốc hội. Những hứa hẹn có tính chất mị dân này đã phát huy tác dụng, khi nhiều cử tri thành thị Campuchia còn quá trẻ, không biết gì về “những cánh đồng chết” thời Khmer đỏ và không hài lòng với chính quyền hiện hành. Điều này cũng dẫn đến việc CNRP kiếm được rất nhiều phiếu ở thủ đô Phnom Penh và ở các thành phố lớn của Campuchia.
Từ nay đến khi công bố kết quả bầu cử, tình hình Campuchia sẽ rất căng thẳng và việc cử một đại tướng quân cảnh thay thế một trung tướng làm Tư lệnh quân cảnh thủ đô Phnom Penh cho thấy Thủ tướng Hun Sen sẽ không để cho tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trước cuộc bầu cử Quốc hội khóa 5, Thủ tướng Hun Sen từng tuyên bố ông sẽ không rời khỏi văn phòng ngay cả khi CPP bị thất cử. Trong khi đó, một số đảng viên CPP cũng cảnh báo rằng một chiến thắng của CNRP sẽ dẫn đến cuộc nội chiến hoặc một cuộc đảo chính quân sự. Đây không phải là lời đe dọa suông, khi CPP vẫn nắm trong tay quân đội và lực lượng cảnh sát cũng như nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở khu vực nông thôn.
Văn Bình (theo Vietnam+, Le Monde)