"Đấu trường" Bắc Cực: Ai giúp ai?

Google News

(Kiến Thức) - Do quá trình biến đổi khí hậu và đà tan chảy nhanh chóng của băng, hiện thời thế giới bắt đầu tiến vào "thế kỷ của Bắc Cực".
 
 

Bắc Cực lưu giữ 30% trữ lượng khí đốt và 13% lượng dầu chưa được khám phá của thế giới, tương đương với trữ lượng của cả miền tây Siberia. Những dự trữ tài nguyên này chưa hề được khai thác.
Trong thế kỷ 20, Bắc Băng Dương được phân chia đơn giản theo nguyên tắc đường kinh tuyến. Nước sở hữu phần lớn tài nguyên Bắc Cực là Nga, còn Mỹ không nhiều lắm. Nhưng điều đó chẳng khiến người Mỹ quá lo lắng. Trong ý niệm chung, Bắc Cực vẫn bị coi là vùng hoang sơ không có sự sống, còn nguồn tài nguyên chẳng mấy giá trị để cần tính toán đầu tư chính trị hay quân sự nghiêm túc.
Tuy nhiên, hiện thời mọi sự đã đổi khác. Thế giới bắt đầu tiếp nhận Bắc Cực tương lai như là một "tân Trung Đông", với ý nghĩa về trữ lượng dầu khí và các tuyến đường biển thuận tiện. Trong tương lai gần, Bắc Cực sẽ thành điểm tiếp xúc chính giữa các cường quốc thế giới.
Theo quan điểm của chuyên viên Andrei Fesyun từ Trường Kinh tế Cấp cao, cầu thủ chính ở Bắc Cực hiện nay vẫn là nước Nga: không chỉ bởi hầu hết nguồn tài nguyên Bắc Cực đang ẩn giấu bên dưới lãnh hải Nga mà còn do Moscow sở hữu hạm đội tàu phá băng hùng mạnh nhất thế giới.
Liên bang Nga hiện sở hữu hạm đội tàu phá băng hùng mạnh nhất thế giới. Ảnh pickywallpapers.com
Chuyên viên Andrei Fesyun nhận định: "Hiện nay đã xuất hiện tàu phá băng với mức độ khác nhau về lượng choán nước, cho phép không chỉ đi trên đại dương nước sâu mà còn có thể ghé vào các vịnh nông và thậm chí cửa sông. Ưu điểm đó dẫn đến thay đổi về chất và càng có lợi nhiều hơn cho Nga. Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có tàu phá băng hạt nhân, những người khổng lồ dũng mãnh này không sợ bất kỳ loại băng giá nào".
Mỹ cũng buộc phải công nhận sự vượt trội rõ rệt của Nga ở Bắc Cực. Vì thế trong thập kỷ tới, người Mỹ dự kiến đầu tư vào phát triển khu vực này ở mức khoảng 15 tỷ USD. Trên hết là tạo lập hạm đội tàu phá băng riêng. Nhưng về qui mô thì Mỹ hiện tụt hậu so với quốc gia khác ở phương bắc.
Vậy tại đấu trường này liệu có đồng minh nào đủ sức giúp người Mỹ khắc phục sự tụt hậu đáng kể đó?
Chuyên viên Andrei Fesyun trả lời: "Trong số các cường quốc Bắc Cực đua tranh với Nga chỉ có Hoa Kỳ là ráo riết nhất nhưng suốt thời gian dài họ quả thực không có hạm đội tàu phá băng. Có thể giúp Washington là các đồng minh chính của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn cũng là những nhà đóng tàu có danh tiếng thế giới. Tuy nhiên, tàu của Nhật Bản và Hàn Quốc không thuộc lớp có thể đi trên biển băng ở các vĩ độ bắc. Vì thế trong bất kỳ trường hợp nào thì ở phân khúc này Nga vẫn có ưu thế lớn. Tuy nhiên, Bắc Сực đòi hỏi mức đầu tư khổng lồ. Hiệu quả lớn nhưng lâu hiển hiện, có thể phải sau vài chục năm. Dự trữ vật chất của bản thân Nga ở đây không đủ. Trung Quốc đã mạo hiểm đầu tư vào ngành đóng tàu Bắc Cực của Nga, trợ cấp cho tái thiết cơ sở vùng của Viễn Đông Nga là nhà máy Zvezda. Tại đó đã khởi công đóng con tàu vận tải đầu tiên thuộc lớp phá băng".
Trung Quốc cũng tự đóng tàu phá băng, nhưng còn nhỏ lẻ. Thực tế việc đóng tàu thể hiện sự quan tâm của Bắc Kinh dành cho vùng Bắc Cực này, bởi nếu không thì Trung Quốc dùng tàu phá băng làm gì?
Câu trả lời thì ai cũng rõ: Tuyến đường phương bắc là con đường ngắn nhất từ Châu Á đến Châu Âu, ngắn hơn tới 40% so với con đường giữa Nhật Bản và Châu Âu thông qua kênh đào Suez. Theo tuyến đường biển phương Bắc, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc có thể ồ ạt tuồn vào thị trường Châu Âu. Hiện thời, Hàn Quốc cũng muốn có tàu phá băng. Còn Tokyo thì đã công bố chiến lược Bắc Cực của đất nước. Nhưng Trung Quốc và Hàn Quốc nhanh tay hơn Nhật Bản, từ trước đó đã nộp hồ sơ đăng ký lên Hội đồng Bắc Cực, cơ cấu phân định quy tắc trò chơi trong khu vực này. Và hiện nay đối với Nhật Bản điều rất quan trọng là chứng minh được rằng quốc gia không phải là kẻ ngoài cuộc trong vấn đề Bắc Cực.
Trên thềm lục địa Bắc Băng Dương thuộc Nga khối lượng nguyên liệu hydrocarbon có thể được khai thác và nhanh chóng vận chuyển đến Nhật Bản. Riêng khả năng sử dụng tuyến đường biển phương bắc hầu như quanh năm cũng có thể thu hút đầu tư Nhật Bản vào các dự án Bắc Cực.
Minh Châu (Theo Sputnik)