Đã 100 ngày kể từ khi Anh xác nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 vào hôm 31/1. Đến nay nước này ghi nhận gần 33.000 ca tử vong và con số vẫn tiếp tục gia tăng nhanh chóng, khiến Anh nằm trong số 3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha.
|
Chính phủ Anh, đứng đầu là Thủ tướng Boris Johnson đang chịu sức ép ngày càng lớn trong việc áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn đối phó với đại dịch COVID-19. (Nguồn: gov.uk). |
Chính phủ Anh đã phải gồng mình chống chọi với cuộc khủng hoảng nhưng vẫn không tránh khỏi được những chỉ trích ngày càng gia tăng cho rằng họ đã thiếu biện pháp chuẩn bị để đối phó với dịch bệnh COVID-19 ở giai đoạn đầu, thay đổi chiến lược đột ngột, không cung ứng đủ trang thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế và nhân viên làm việc trong những lĩnh vực chủ chốt khác, không có khả năng thực hiện chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn mà nhiều người cho là đóng vai trò rất quan trọng.
Nội các Anh tuần trước đã đưa ra kế hoạch rõ ràng cho việc dỡ bỏ biện pháp phong tỏa. Nhưng kế hoạch này đã trở nên phức tạp bởi tỷ lệ lây nhiễm vẫn cao đáng kể. Trong khi một số quốc gia khác đang bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường thì Anh vẫn phải nỗ lực đáp ứng các tiêu chí cần thiết để có thể thực hiện việc dỡ bỏ phong tỏa.
Bất đồng trong chính phủ
Trong những ngày qua, các nhà lãnh đạo chính trị của Anh đã bị chia rẽ về biện pháp phong tỏa và việc làm thế nào để giữ an toàn cho người dân. Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, họ muốn chấm dứt việc gửi tin nhắn khuyến khích người dân làm việc ở nhà, nhưng Bộ trưởng thứ nhất của Scotland Nicola Sturgeon lại phản đối và cho rằng làm như vậy sẽ có nguy cơ khiến nhiều người tử vong hơn. Vấn đề vẫn đang được tranh luận ở cấp độ cao nhất.
Rất khó để tránh mắc sai lầm khi xử lý một cuộc khủng hoảng có quy mô lớn như vậy, Công đảng đối lập Anh, dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo mới Keir Starmer đã thừa nhận điều dó. Khi cuộc điều tra công khai được tiến hành, chính phủ củaThủ tướng Johnson sẽ phải đối mặt với những câu hỏi khó khăn về phản ứng của họ.
Trong khi nhiều nhà khoa học Anh tỏ ra lo lắng về dịch bệnh Covid-19 hồi tháng 1 và tháng 2, thì Thủ tướng Johnson cùng các quan chức dưới quyền ông đang nỗ lực thúc đẩy tiế trình Brexit. Ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, ông Johnson đã bỏ lỡ một loạt cuộc họp Cobra (cuộc họp của chính phủ liên ngành) và vẫn tự tin bắt tay một số bệnh nhân trong bệnh viện hồi đầu tháng 3.
Hiện giờ ông đang cố gắng tìm cách để nới lỏng phong tỏa trong khi ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 2. Tờ Guardian cho rằng, thách thức với chính phủ là giúp công chúng tin rằng họ đã có câu trả lời nhưng các bằng chứng đến nay đã cho thấy điều ngược lại.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Johnson đã tiếp quản một dịch vụ y tế yếu kém, khó có khả năng kiểm soát được dịch bệnh. Dịch vụ Y tế quốc gia Anh không có đủ giường chăm sóc đặc biệt, trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên và máy thở cho bệnh nhân. Trong khi các quốc gia khác như Đức bỏ ra nhiều kinh phí để đầu tư và nâng cấp hệ thống y tế của họ, thì Anh, với 1 nền kinh tế đang suy yếu, một phần do ảnh hưởng của chính sách thắt lưng buộc bụng, khó làm được điều này. Anh kết thúc chiến dịch xét nghiệm và theo dõi liên lạc của bệnh nhân mắc Covid-19 vào ngày 12/3 vì không có khả năng tiếp tục thực hiện chiến dịch này.
Cấu trúc nhân khẩu học?
Độ tuổi của dân số đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh. Italy và Tây Ban Nha có dân số già, dễ tổn thương trước dịch bệnh do đó chứng kiến tỷ lệ tử vong cao, trong khi các quốc gia khác như Ireland với độ tuổi trung bình dân số thấp hơn có thể kiểm soát tốt hơn.
Vậy, phải chăng độ tuổi dân số là lý do chính khiến số ca tử vong tại Anh tăng mạnh? Ông Sarah Harper, giáo sư lão khoa tại Đại học Oxford, Anh nhận xét: “Về mặt nhân khẩu học, Anh không khác biệt so với nhiều quốc gia châu Âu khác. Trên thực tế, Anh có dân số trẻ hơn vì thế không thể đổ lỗi cho tỷ lệ tử vong cao là do cấu trúc tuổi tác của dân số”.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những cá nhân thuộc nhóm da màu và nhóm thiểu số (BAME) đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với mức độ không tương xứng ở Anh. Khoảng 13% dân số của Anh đến từ nhóm BAME. Tuần trước các số liệu thống kê tại Anh cho biết, người da đen có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao gấp 4 lần người da trắng.
Bức tranh này không phải chỉ có duy nhất tại Anh. Các quốc gia khác trong đó có Mỹ và Na Uy cũng thông báo tỷ lệ tử vong cao trong số những người thuộc nhóm BAME. Vẫn chưa rõ tại sao điều này lại xảy ra. Một số nhà khoa học chỉ ra rằng những người thuộc nhóm BAME có nguy cơ cao mắc các bệnh nền tiểu đường, bệnh tim mạch và béo phì, do đó họ dễ bị tổn thương hơn trước Covid-19.
Một nguyên nhân khác cũng cần phải kể đến là béo phì. Anh đang phải đối mặt với vấn đề béo phì nghiêm trọng trong dân số. Các bác sỹ cho biết, điều này có thể là một trong những lý dó khiến Anh có tỷ lệ tử vong cao, gần 500 trường hợp trên 1 triệu ca mắc. Nhưng bức tranh này vẫn chưa rõ ràng khi đưa ra so sánh với các quốc gia khác. Chẳng hạn New Zealand có tỷ lệ béo phì cao hơn Vương quốc Anh nhưng có tỷ lệ tử vong Covid-19 chỉ ở mức 4 trường hợp/1 triệu ca mắc.
Bỏ qua các bài học kinh nghiệm?
Anh là quốc gia đông dân số, có thủ đô rộng lớn. Hơn 9 triệu người đang sinh sống ở London và hơn 18 triệu người đã đến Anh trong 3 tháng đầu năm 2020. Đây là một môi trường thuận lợi cho virus ươm mầm và sinh sôi nảy nở, khiến ca mắc tăng lên với cấp số nhân. Những nơi đông dân khác như thành phố New York của Mỹ và miền bắc Italy cũng chịu chung số phận.
Vậy có phải do cấu trúc địa lý khiến Anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh? Các nhà dịch tễ học cho biết, mối liên hệ là rất yếu, đồng thời lấy dẫn chứng vẫn có nhiều thành phố nhộn nhịp đông đúc nhưng lại có số ca mắc Covid-19 tương đối thấp, chẳng hạn như Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới. Ấn Độ có nhiều đô thị lớn và đông dân như Delhi, Mumbai và Kolkata, song tỷ lệ tử vong tại nước này thấp đáng kể, ở mức 1 trường hợp/1 triệu ca mắc.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, Anh đã không kịp thời học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Chuyên gia Banerjee chuyên nghiên cứu dữ liệu lâm sáng tại Đại học London cho biết: “Anh có rất nhiều thứ để học trong việc đối phó với dịch bệnh nhưng lại không nắm bắt lấy cơ hội”. Cùng chung quan điểm nay, bác sỹ tim mạch Amitava Banerjee đánh giá: “Chúng tôi đã không rút ra bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Italy và Tây Ban Nha đó là phong tỏa nhanh chóng. Đây là một biện pháp đơn giản”. Theo giáo sư Sarah Harper, việc thiếu xét nghiệm, không đóng cửa kịp thời và thiếu trang thiết bị y tế là những nguyên nhân khiến Anh có tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở mức cao.
Học từ các sai lầm trong quá khứ và từ thực tế tại các quốc gia khác sẽ rất quan trọng nếu Anh muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế mà nước này đang phải đối mặt, các nhà dịch tế lưu ý.
Giới khoa học đều cho rằng, làm cách nào để Anh thoát khỏi tình trạng phong tỏa vẫn còn là câu hỏi hóc búa và tiến trình này sẽ rất phức tạp. Theo đánh giá, Anh cần phải đưa ra cách tiếp cận từ từ cho đến khi số lượng ca mắc Covid-19 xuống mức thấp đủ để cho phép theo dõi và cách ly những trường hợp riêng lẻ. Tuy nhiên, với tốc độ lây nhiễm như hiện nay, rất khó để biết được khi nào Anh có thể mở cửa trở lại.
Theo Hồng Anh/VOV.VN