Điểm lại diễn biến sau khi “Hồ sơ Panama” bị công bố

Google News

(Kiến Thức) - Trang The Atlantic tóm tắt một số thông tin kể từ khi các tài liệu từ “Hồ sơ Panama” được  báo chí công bố vào hôm 3/4.

Video người dân Iceland biểu tình đòi Thủ tướng Gunnlaugsso từ chức sau bê bối "hồ sơ Panama" (Nguồn video The Guardian):
Sau một năm ròng rã điều tra, vào hôm 3/4, thông qua Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ), nhiều tờ báo thế giới như báo Đức Süddeutsche Zeitung hay đài BBC của Anh đã công bố những tiết lộ chấn động về “Hồ sơ Panama”.
Liên quan tới “Hồ sơ Panama”, có tới hàng trăm nhân vật nổi tiếng thế giới từ chính trị gia, ngôi sao giải trí, danh thủ bóng đá, giới siêu giàu…
Những thông tin mật trong “Hồ sơ Panama” cũng đụng chạm đến một số nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có đương kim Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsso và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
Diem lai dien bien sau khi “Ho so Panama” bi cong bo
 Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsso...
Nhiều người dân đổ ra đường biểu tình, đòi Thủ tướng Iceland từ chức. trong khi  một làn sóng phản đối các con của Thủ tướng Pakistan cũng nổ ra.
Trang The Atlantic tóm tắt một số diễn biến tình hình kể từ khi “Hồ sơ Panama” bị tiết lộ cho tới nay.
Tại Iceland, một làn sóng biểu tình đã nổ ra đòi đương kim Thủ tướng Sigmundur Gunnlaugsson từ chức sau khi tin tức rò rỉ khắp trên các mặt báo.
Theo thông tin từ công ty luật Mossack Fonseca, dường như Thủ tướng Iceland Gunnlaugsson đã giấu hàng triệu USD tiền đầu tư có trong các tài khoản ngân hàng trong nước vào một công ty nước ngoài.
Ông Gunnlaugsson cùng vợ là bà Sigurlaug Palsdottir đã mua công ty nước ngoài này vào năm 2007. Tuy nhiên, ông đã không khai báo số tiền đầu tư vào công ty đó khi được bầu vào Quốc hội Iceland hai năm sau.
Ngoài ra, “Hồ sơ Panama” còn tiết lộ, ông Gunnlaugsson về sau đã bán một nửa số cổ phần mang tên ông cho vợ tại công ty này với giá tượng trưng là 1 USD.
Trước loạt tin chấn động trên, nhiều người trong Quốc hội Iceland kêu gọi tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Guannlaugsson. Các nhà lãnh đạo phe đối lập ở Iceland kêu gọi ông Gunnlaugsson từ chức với lý do là xung đột lợi ích. Tuy nhiên, nhiều nhân vật thân cận với ông trong chính phủ đã lên tiếng bảo vệ Thủ tướng. Cụ thể, khi được hỏi về vụ bê bối này, Bộ trưởng Ngoại giao và Ngoại thương Iceland Gunnar Bragi Sveinsson cho biết: “Chẳng có gì lạ ở đây cả”.
Thủ tướng Gunnlaugsson có thể không vi phạm luật nào, nhưng dường như ông đã giấu giếm điều gì đó khi vào năm 2009 phóng viên đặt câu hỏi về việc liệu rằng ông có sở hữu một công ty nước ngoài nào không. “Công ty của riêng tôi à? Vâng, các công ty Iceland mà tôi hợp tác lâu nay có mối quan hệ với nhiều công ty ở nước ngoài lắm”, ông Gunnlaugsson lúc đó trả lời.
Ở Argentina, đương kim Tổng thống Mauricio Macri cũng đang vướng nhiều lùm xùm sau vụ lộ thông tin này. Theo tài liệu mật ghi trong “Hồ sơ Panama”, cha và anh trai Tổng thống Macri là các giám đốc trong một công ty nước ngoài từ năm 1998-2009.
Ông Macri đã không công khai mối liên hệ của mình với công ty trên hồi năm 2007 và 2008 khi đang giữ chức Thị trưởng Buenos Aires mặc dù lúc đó vị chính trị gia này đã liệt kê các tài khoản ngân hàng gửi ở nước ngoài.
Một phát ngôn viên nói với ICIJ rằng, sở dĩ Tổng thống Macri không đưa tên công ty đó vào bản kê khai tài sản bởi vì ông không phải là cổ đông công ty đó.
Còn các nhà lập pháp đối lập nói với Reuters rằng Tổng thống Macri "nên giải đáp những quan ngại của người dân về vai trò của ông trong công ty nước ngoài đó”.
Ở Pakistan, những thông tin rò rỉ từ "Hồ sơ Panama" tố rằng, ba trong số bốn người con của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif ( Mariam Safdat, Hasan Nawaz và Hussain Nawaz Sharif) đã núp bóng các công ty vỏ bọc để mua bất động sản ở London.
Diem lai dien bien sau khi “Ho so Panama” bi cong bo-Hinh-2
...và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đều được đề cập trong "hồ sơ Panama".
Nói trên kênh truyền hình Geo TV, người con Hussain Nawaz Sharif nói rằng: “Các căn hộ (ở London) là của chúng tôi, những công ty nước ngoài đó cũng là của chúng tôi. Chẳng có gì sai trái ở đây cả và tôi chưa bao giờ che giấu chúng cả”.
Các cáo buộc tham nhũng nổi lên từ nhiều năm nay hướng về gia đình Sharif, gia tộc giàu có nhất Pakistan. Tuy hiện chưa rõ các cáo buộc này có bất hợp pháp hay liệu các con cúa Thủ tướng Pakistan có được ô dù bao che hay không.
Azerbaijan cũng nằm trong cơn bão lùm xùm này. Những cáo buộc trốn thuế cũng nhắm tới vợ và các con Tổng thống Ilham Aliyev sau khi tập hồ sơ mật về công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị phanh phui. Những người thân của Tổng thống Aliyev được cho là chủ sở hữu của nhiều công ty ở nước ngoài và có nhiều khoản đầu tư tài chính trong loạt các lĩnh vực kinh tế của quốc gia từng thuộc Liên Xô này.
Đương kim Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng bị cuốn vào cơn bão trốn thuế. Theo tài liệu thu thập được từ vụ điều tra về công ty luật Mossack Fonseca thì giữa bối cảnh cuộc xung đột ở miền đông diễn biến phức tạp vào hồi 2014, Tổng thống Poroshenko đã bí mật nhờ công ty luật ở Panama trên giúp tư vấn thành lập Prime Asset Partners Limited có trụ sở ở đảo Virgin thuộc Anh mà ông là cổ đông duy nhất. Để có thể luận tội ông Poroshenko đòi hỏi cần 3/4 đại biểu Quốc hội tán thành. Tuy nhiên, điều này dường như là khó có thể xảy ra khi mà phe phái của đương kim Tổng thống kiêm tỷ phú socola Poroshenko kiểm soát 136/450 ghế trong Quốc hội. Các luật sư của ông này giải thích rằng, do công ty sở hữu không có tài sản nên ông Poroshenko không nhất thiết phải công bố thông tin đó.
Cùng với đó, nhà chức trách ở Áo và Australia cũng mở cuộc điều tra các nhân vật được đề cập trong "hồ sơ Panama". Ở Áo, nhà chức trách nước này đang điều tra xem liệu hai ngân hàng thương mại có phá vỡ các quy định trong hoạt động rửa tiền hay không. Còn cơ quan điều tra Australia cũng đang tìm thông tin về 800 người xuất hiện trong "Hồ sơ Panama".
Thanh Nga (theo The Atlantic)