“Gót chân Achilles” của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Google News

(Kiến Thức) - Vì nhiều lý do, mưu đồ bá chủ khu vực và gạt Mỹ ra khỏi Đông Nam Á của Trung Quốc là khó khả thi.

Tàu đổ bộ trực thăng Mỹ trên Vịnh Subic, Philippines.
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo khu vực hiểu rất rõ rằng việc hủy bỏ chuyến đi Đông Nam Á của Tổng thống Obama không phải là một sự thay đổi chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Các nước quan trọng trong khu vực như Malaysia và Indonesia thấu hiểu lý do vì sao mà ông Obama bắt buộc ở lại nước Mỹ. Thay vào đó, Ngoại trưởng John Kerry đã đưa ra thông điệp chính các nước Đông Nam Á muốn nghe: Mỹ hy vọng Trung Quốc và các nước láng giềng giải quyết một cách hòa bình tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Thứ hai, thông điệp này đụng đến “gót chân Achilles” của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trong khi các nước ASEAN mong muốn đàm phán thì Bắc Kinh lại không sẵn sàng thỏa hiệp về tuyên bố chủ quyền thái quá của nước này ở Biển Đông. Tại thủ đô Darussalam của Brunei, Thủ tướng Lý Khắc Cường không chỉ khẳng định “chủ quyền không thể chối cãi” của Trung Quốc trong phạm vi cái gọi là “bản đồ đường 9 đoạn”, mà còn cảnh báo các nước “không có phận sự” như Australia và Nhật Bản đứng ngoài các cuộc tranh chấp. Vì vậy, Trung Quốc đã không thuyết phục được các nước Đông Nam Á về thiện chí của Bắc Kinh. Hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm xói mòn niềm tin của các nước ASEAN đối với Bắc Kinh. Hành động đó cũng khiến cho các “cường quốc khu vực” như Ấn Độ và Nhật Bản phải tăng cường vai trò an ninh ở Đông Nam Á .
Thứ ba, hành động quyết đoán của Bắc Kinh buộc một số quốc gia Đông Nam Á phải “cân bằng bên trong” hoặc “cân bằng bên ngoài” để đối phó với Trung Quốc. Sau nhiều thập kỷ bận rộn với vấn đề an ninh nội bộ, Philippines đang cố gắng để xây dựng tiềm lực quốc phòng “đáng tin cậy tối thiểu” để đối phó với Trung Quốc. Các nước khác cũng tính đến khả năng căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Singapore đã mời Mỹ đồn trú luân phiên 4 tàu chiến ven biển (Littoral Combat Ship - LCS), tính chuyện mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ.
Thứ tư, việc giải thích sự vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh APEC của Tổng thống Obama là bằng chứng của sự thiếu cam kết với chiến lược “xoay trục” sang Châu Á-Thái Bình Dương là chưa thỏa đáng. Có người cho rằng Washington quá bận rộn với Trung Đông và Mỹ không có tiền để thực hiện chiến lược “xoay trục”. Trên thực tế, Mỹ vẫn là cường quốc số 1 thế giới và bất chấp áp lực đối với ngân sách quốc phòng, Lầu Năm Góc vẫn đang tiếp tục chuyển các hệ thống vũ khí khí tài quan trọng vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hồi đầu tháng 10/2013, các quan chức Lầu Năm Góc đã thông báo rằng Mỹ sẽ triển khai máy bay do thám không người lái Global Hawk ở Nhật Bản vào đầu năm 2014. Và trong năm 2017, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ bắt đầu đưa máy bay chiến đấu tàng hình F-35B đến Nhật Bản. Hơn nữa, Thủy quân lục chiến Mỹ có kế hoạch đồn trú tại một căn cứ mới trên đảo Palawan ở Philippines để giám sát Biển Đông. Đường băng trên đảo sẽ được nâng cấp để phù hợp chiến lược không vận của Mỹ. Nói cách khác, Philippines là bước đi mới nhất trong chiến lược của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện luân phiên của Thủy quân lục chiến trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cản trở đáng kể hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Philippines là bước đi mới nhất trong chiến lược của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện luân phiên của Thủy quân lục chiến trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Cuối cùng, các nước đồng minh của Mỹ hiện sẵn sàng đóng gớp nhiều hơn vào chiến lược “xoay trục” của Mỹ. Australia là một ví dụ. Thủ tướng Abbott vừa công bố quyết định chia sẻ chi phí tài chính cho sự hiện diện tăng cường của Thủy quân lục chiến Mỹ ở miền Bắc Australia. Tương tự, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (một đồng minh Châu Á quan trọng khác của Mỹ) cũng thừa nhận rằng Tokyo cần phải đóng một vai trò đảm bảo an ninh trong khu vực một cách chủ động hơn.
Tất cả những lý do trên cho thấy Trung Quốc còn lâu mới có thể lật đổ vị thế của Mỹ ở Đông Nam Á và giành quyền bá chủ khu vực.
Lê Chân (theo The Strategist, Australia)