Hàn Quốc và sự lệ thuộc vào Trung Quốc
Hàn Quốc ngày càng bị mắc kẹt giữa sự lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế cũng như cần nước này giúp để Triều Tiên cư xử tốt hơn.
Trong lúc Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc của khu vực và của thế giới, các nhà xuất khẩu Hàn Quốc đang ngày càng lệ thuộc vào người láng giềng khổng lồ với GDP lên tới 8.000 tỷ USD này.
Hàn Quốc, cũng giống như nhiều quốc gia châu Á khác, đang theo đuổi mục tiêu thăng dự kim ngạch ngoại thương. Để đạt được điều đó, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chính phủ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, các tập đoàn lớn đóng vai trò rất quan trọng đối với chính trường Hàn Quốc và ra sức thuyết phục các cử tri nước này rằng lợi nhuận từ xuất khẩu chính là lợi ích quốc gia (mặc dù thực tế không phải như vậy). Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, rõ ràng, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Trung Quốc nằm ngay cạnh Hàn Quốc và trong vòng 2 thập kỷ, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu số một của Hàn Quốc.
|
Trung Quốc đang là thị trưởng xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. |
Không chỉ phụ thuộc về kinh tế, Hàn Quốc cũng ngày càng cần Trung Quốc giúp để Triều Tiên ứng xử tốt hơn
Hàn Quốc tiếp tục hạn chế chi tiêu quốc phòng bất chấp nguy cơ xung đột cũng như triển vọng phải chiếm và tái thiết Triều Tiên. Nước này không chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột với Triều Tiên, chưa nói tới nhiệm vụ bình ổn sau cuộc xung đột đó. Hàn Quốc cần sự bảo hộ của Mỹ để đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài.
Vào những năm đầu sau Chiến tranh lạnh, mối quan hệ giữa các quốc gia liên quan tới Triều Tiên còn rời rạc. Trung Quốc vẫn chưa trỗi dậy thực sự. Trong khi đó, các nước như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa thống nhất lập trường về Triều Tiên. Nước Nga khi đó đang chìm trong rối loạn và đối mặt với tương lai mù mịt.
Ngày nay, các nước trên đã gắn bó với nhau hơn. Nga đóng vai trò khá mờ nhạt về vấn đề Triều Tiên. Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đi theo đường lối khá cứng rắn sau khi chính sách Ánh Dương thất bại. Triều Tiên sau khi thực hiện chính sách “mèo vờn chuột” với các nhà bảo trợ đã rơi vào thế bế tắc.
|
Triều Tiên tập trận bắn đạn thật. |
Lối thoát duy nhất của Triều Tiên lúc này chỉ còn Trung Quốc. Triều Tiên phải xoa dịu Trung Quốc để giảm nhẹ các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc trừng phạt nước này. Lúc này, Trung Quốc là cầu nối chính giữa Triều Tiên với thế giới.
Điều đó khiến Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với Triều Tiên. Bắc Kinh đã chủ trì các cuộc đàm phán 6 bên (mặc dù thất bại) và giới quan sát Triều Tiên ngày càng nhất trí rằng nếu Trung Quốc dừng ủng hộ về kinh tế và ngoại giao, Triều Tiên sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn.
Lúc này, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye sẽ phải trông cậy vào Bắc Kinh nếu muốn Triều Tiên hành xử đúng mực. Ngoài ra, hi vọng thống nhất hai miền Triều Tiên có thành hiện thực hay không tùy thuộc vào việc Bắc Kinh có sẵn lòng chấm dứt trợ giúp Triều Tiên không.
Nếu Trung Quốc tiếp tục viện trợ và che chở cho Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục “sống sót”. Lúc này, con đường tới Bình Nhưỡng phải đi qua Bắc Kinh.
Lệ thuộc nhưng không nhượng bộ về chủ quyền?
Dư luận có thể thấy rõ rằng Trung Quốc đang lợi dụng tư tưởng chống Nhật ở Hàn Quốc để chia rẽ Nhật – Hàn, hai đồng minh của Mỹ trong khu vực. Thực ra, nếu Mỹ không hiện diện ở Đông Bắc Á và trở thành đồng minh của Hàn Quốc và Nhật Bản, không rõ Hàn Quốc sẽ liên kết với Nhật Bản hay Trung Quốc. So với Trung Quốc, Nhật Bản có nền chính trị giống Hàn Quốc hơn, tuy nhiên “nỗi ám ảnh Nhật Bản” vẫn ăn sâu trong tư tưởng người Hàn Quốc.
Người Hàn Quốc lo ngại và không ưa người Nhật Bản hơn người Trung Quốc. Sau Chiến tranh thế giới II, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều bất mãn đối với Nhật Bản và điều này thường được gợi đi gợi lại. Trong khi đó, mọi học sinh Hàn Quốc đều nhớ tới bài học lịch sử về việc nhà Minh, Trung Quốc đã giúp Triều Tiên chống lại cuộc xâm lược của Nhật Bản vào những năm 1590. Hàn Quốc không có động lực để liên kết với Mỹ và Nhật Bản chống lại Trung Quốc.
|
Vùng xác định phòng không của Trung Quốc bao phủ 2 quần đảo nằm dưới sự kiểm soát của Nhật và Hàn Quốc. |
Nhưng điều đó không có nghĩa Seoul để mặc Trung Quốc ngày càng lấn tới trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông. “Vùng xác định phòng không” mà Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông hồi 2013 bị cả Seoul và Tokyo phản đối. Mặc dù người Hàn Quốc và người Nhật Bản không liên kết với nhau nhưng cả hai đều phản đối hành động này của Bắc Kinh. Hàn Quốc đã đáp lại bằng việc mở rộng “Vùng xác định phòng không” của chính nước này.
Hàn Quốc cũng tỏ ra cứng rắn đối với các ngư dân Trung Quốc thường xuyên tiến vào lãnh hải của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải. Trung Quốc không công nhận đường biên giới trên biển giữa Triều Tiên và Hàn Quốc và Bắc Kinh đã “mượn” Triều Tiên một số khu vực trên vùng biển này. Hàn Quốc không chấp nhận và thường xuyên bắt giữ các ngư dân Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển nước này quản lý.
Hàn Quốc đang ở thế yếu hơn. Nước này nhỏ hơn và rất cần Trung Quốc giúp về vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, “vũ khí” của Hàn Quốc chính là chiến lược “Trục châu Á” của Mỹ. Trung Quốc không thể quá cứng rắn với Hàn Quốc nếu không sẽ đẩy nước này tham gia liên kết với Mỹ - Nhật để chống lại Trung Quốc.
Tùng Lâm