Hành trình khó khăn vượt biên giới Hungary của người tị nạn Syria

Google News

Chính phủ Hungary đã lập ra kế hoạch ngăn chặn dòng người di cư từ Balkan bằng một hàng rào trăm dặm, cao 4m.

Ẩn mình trong bóng tối cách biên giới Hungary 500m, 15 người tị nạn Syria đang thì thầm với nhau làm thế nào để họ vào được lãnh thổ EU. Họ đã tắt điện thoại từ vài dặm trước, sau đó tự trang bị lấy vài cây gậy để tự vệ trước đám côn đồ địa phương.
Hanh trinh kho khan vuot bien gioi Hungrai cua nguoi ti nan Syria
 Yama Nayab cùng con gái và những người di cư khác tại khu cắm trại bên cạnh một nhà máy gạch bỏ hoang bên ngoài Subotica, Serbia. (Ảnh: Sima Diab/the Guardian)
Lúc này người Syria tị nạn đang chia ra thành từng cặp: Nếu đi hai người một, có thể bộ phận cảm biến nhiệt đặt tại biên giới sẽ không nhận ra họ. Khi đó, Mohamed Hussein – dược sĩ 23 tuổi, lơ đãng châm một điếu thuốc.
“Vứt đi ngay!” Một người rít lên, bầu không khí sợ hãi căng thẳng tăng cao. Một số người trong nhóm nay đã bị cảnh sát Hungary bắt giam sau khi đã vượt qua được biên giới, sau đó bị trả về Serbia. Giờ đây họ đang cố gắng một lần nữa.
“Biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia thì dễ,” Selim – Quản lý bán hàng 36 tuổi người Syria, căn nhà của anh ở Aleppo đã bị một tên lửa quân đội phá hủy – thì thầm. “Nhưng đây là chặng khó khăn nhất, biên giới Hungary.”
Và giờ đây, chặng đường này còn khó khăn hơn nhiều, khi mà tuần trước, chính phủ Hungary đã lập ra kế hoạch ngăn chặn những người như Selim và Hussein – bằng một hàng rào trăm dặm ngăn người di cư, cao 4m trải dài suốt 110 dặm (177km) biên giới với Serbia.
Hanh trinh kho khan vuot bien gioi Hungrai cua nguoi ti nan Syria-Hinh-2
Hàng rào chống di cư của Hungary (Ảnh: The Guardian) 
“Đây là hành động cần thiết,” Phát ngôn viên của Chính phủ, Zoltan Kovacs, trả lời qua điện thoại với The Guardian từ Budapest. “Chúng tôi cần phải ngăn chặn làn sóng này.”
Theo các nhóm nhân quyền, động thái này rõ ràng là kết quả của làn sóng bài ngoại do Chính phủ dẫn đầu. Trong những tháng gần đây, các đồng sự của Kovacs đã đánh đồng những người di cư với chủ nghĩa cực đoan, công bố một bản nghiên cứu cỡ quốc gia về di cư và chủ nghĩa khủng bố, thậm chí họ còn đưa ra ý tưởng đưa tất cả những người di cư vào một trại tập trung – một thứ tưởng như đã biến mất khỏi châu Âu kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Tuy nhiên ông Kovacs cho rằng, hàng rào dài trăm dặm này là một động thái chính đáng chống lại làn sóng di cư ồ ạt trong năm nay, vô tình biến Hungary thành “tiền tuyến” trong cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu. Trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Italy và Hy Lạp, các tuyến hàng hải đang trở nên quá tải. Tuy nhiên, Kovacs tuyên bố rằng hành động này chủ yếu để ngăn chặn những người Syria, Afghanistan và Iraq đến từ Hy Lạp, vượt qua lãnh thổ Balkan và âm thầm biến Hungary thành “Đất nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khối EU. Trong nửa đầu năm nay đã có hơn 50,000 người di cư trái phép vào Hungary, trong khi con số này ở Italy và Hy Lạp là dưới 2,000 người.”
Mỗi ngày có hàng trăm người đến ba đất nước nói trên, vì vậy con số mà ông Kovacs đưa ra không thể kiểm định được, nhưng chắc chắn rằng làn sóng nhập cư mà Hungary đang phải đối mặt tương đương với toàn bộ các nước Địa Trung Hải cộng lại. Cánh rừng này chẳng hạn, nó phủ quanh một con sông dẫn ra sông Danube, là một trong những con đường bí mật của người Syria để đi từ Serbia vào lãnh thổ Hungary. “Mọi người tập hợp ở đây vào khoảng bốn hoặc năm giờ chiều,” – Abu Khalil, một bác sĩ người Syria ở thị trấn nằm sát biên giới, nói – “Và sau đó họ phải đi bộ xuyên đêm.”
Hanh trinh kho khan vuot bien gioi Hungrai cua nguoi ti nan Syria-Hinh-3
Một nhóm người Syria trên đường băng qua cánh rừng bao quanh con sống bên ngoài Kanjiza, Serbia. (Ảnh: Sima Diab/The Guardian) 
Khi mặt trời lặn, từng nhóm người tị nạn Syria bắt đầu di chuyển về phía Bắc, dọc theo các khúc cua của con sông. Tại một số điểm dọc biên giới, những người này sẽ phải đưa tiền cho bọn buôn lậu để được đi qua. Nhưng tại đây, mọi người đều đã học được nhiều mánh khóe từ những người vượt biên thành công vài tuần trước đó. Trong những người đang đi bộ này có cả bác sĩ lẫn doanh nhân, cả trẻ em lẫn người già. Bạn có thể thường xuyên nghe thấy tiếng trẻ em khóc văng vẳng đâu đó trong bóng đêm.
Họ nói rằng, kể cả bức tường cũng sẽ không ngăn cản được họ. “Chúng tôi là người Syria,” Mohamed Hussein nói, hai tuần sau khi anh phát biểu trên ITN rằng thuyền của mình đã cập bến đảo Lesvos, Hy Lạp – “Chúng tôi có thể giải quyết mọi vấn đề. Chúng tôi là dân tộc đầu tiên sử dụng chữ viết, thì chúng tôi cũng có thể phá bỏ bức tường đó. Nếu họ dùng hàng rào điện, chúng tôi sẽ đeo găng tay và cắt hàng rào.”
Sự kiên trì của Hussein là rất đáng ngưỡng mộ. Trên cổ tay trái của anh là hình xăm nhóm nhạc Pink Floyd – “Tôi yêu Progressive Rock!” – và ở cổ tay trái là hình một chiếc thuyền, để ghi dấu nỗ lực dong thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu của anh hồi tháng Mười hai vừa qua. Anh nói rằng, mình gặp rắc rối ngay trong Đêm năm mới, sau đó đội bảo vệ bờ biển đã đưa anh trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Vì vậy với người Hungary, Hussein kết luận rằng: “Họ sẽ không giải quyết vấn đề di cư theo cách này, vấn đề thực sự họ phải quan tâm là Bashar al-Assad và ISIS.”
Nhưng ngay lúc này, những người Syria đang gặp vấn đề cấp bách hơn. Cách biên giới vài dặm, họ phát hiện ra hai chiếc xe bí ẩn. Đó là đám trộm cướp địa phương mà họ đã được cảnh báo – hay là cảnh sát? “Tôi thấy rất căng thẳng,” Nizam, một kỹ sư máy tính trẻ tuổi, rời Syria sau khi cha của anh chết trong một vụ đánh bom năm ngoái. “Hạ giọng xuống,” Selim cắt lời. “Và trốn vào rừng đi”.
Hanh trinh kho khan vuot bien gioi Hungrai cua nguoi ti nan Syria-Hinh-4
Một nhóm người Afghanistan di cư đang đợi chỉ dẫn từ những người buôn lậu để đi tiếp đến Hungary (Ảnh: Sima Diab/The Guardian) 
Cách đó hai mươi dặm về phía Tây, một nhóm người tị nạn khác đang ở trong tình trạng còn tuyệt vọng hơn. Thường thì người Syria hay ở trong các khách sạn rẻ tiền, nhưng người Afghanistan, chủ yếu vào Hungary từ một tuyến đường phía Tây, thường ẩn náu quanh một nhà máy gạch bỏ hoang.
“Đây là một địa danh nổi tiếng,” Rahman Niazi, một sinh viên 18 tuổi người Afghanistan, nói. “Người Afghanistan nào cũng đi qua đây, bởi họ sẽ tìm được người nói ngôn ngữ của họ – và sau đó họ sẽ cùng nhau đi đến Hungary.”
Những người di cư đầu tiên đã đến đây từ năm 2011, khi đó lượng người đến Hungary hàng năm chỉ vào khoảng 4% so với bây giờ. Bốn năm sau, theo lời Tibor Varga, một linh mục vẫn phân phát thực phẩm vài lần một tuần, thì mỗi ngày có khoảng 200 người di cư đi qua đây mỗi ngày.
Những du khách bình thường sẽ khó mà tìm thấy họ. Những người tị nạn thường ẩn náu trong một vườn ngô rộng lớn nằm giữa một khu xử lý nước thải và một bãi rác, nơi mà các cây trồng bị bao phủ bởi cây tầm ma và các loại hoa cỏ dại. Những người di cư gọi nơi này là “rừng rậm”, không khó để hiểu vì sao họ lại gọi thế, bởi ở đây bạn rất dễ bị lạc.
Qua những tán cây cao và dày, hòa lẫn vào tiếng dế kêu, bạn có thể nghe thấy giọng nói của từng nhóm người tị nạn, và bước lên những dấu vết mà họ để lại. Thế nhưng phải rất tình cờ mới bắt gặp được họ. Một khoảng không nhỏ giữa những tán cây đột nhiên hiện ra, và ở đó là khoảng một tá người Afghanistan đang đợi màn đêm buông xuống để thực hiện hành trình tiến vào Hungary.
Ở đây, họ phải cắm trại ngoài trời và lấy nước từ một cái giếng cũ – nhưng vẫn cố gắng tuân theo một số truyền thống. “Xin hãy nhận lấy,” Yama Nayab, bác sĩ phẫu thuật người Afghanistan, tay cầm một bát nước giếng, nói với một người lạ vô tình đi ngang qua. “Ở Afghanistan, chúng tôi có nghĩa vụ chu cấp thực phẩm cho mọi vị khách.”
Hanh trinh kho khan vuot bien gioi Hungrai cua nguoi ti nan Syria-Hinh-5
Những người di cư phải cắm trại ngoài trời và lấy nước từ một cái giếng cũ. (Ảnh: Sima Diab/The Guardian)
Sự hiếu khách của Nayab ngày hôm nay đã chứng tỏ sự cứng cỏi phi thường của ông. Đầu năm nay, ông bị đâm bốn nhát vào ngực bởi đám phiến quân Taliban. Sau khi hồi phục, ông dắt theo vợ và hai đứa con nhỏ trốn khỏi đất nước mình. Kể từ đó, họ đã đi qua Pakistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Serbia để đi tìm một tương lai tươi sáng.
“Bất cứ nơi nào mà tôi cảm thấy an toàn,” Nayab nói, “Một quốc gia nào đó chấp nhận tôi và cho tôi một cơ hội, tôi sẽ bắt đầu cuộc sống ở đó.” Và ngày hôm nay, ông mới biết rằng Hungary muốn xây một bức tường nhằm ngăn ông thực hiện mơ ước đó.
Bức tường không phải là thứ có thể ngăn ông lại. “Ở Afghanistan không có một cuộc sống an toàn, ai muốn một cuộc sống an toàn phải khoét một cái lỗ lên tường, hoặc tìm cách nào đó khác,” Ông giải thích, và dùng chính câu chuyện đời mình để chứng minh điều đó. Ông là bác sĩ phẫu thuật cho quân đội Afghanistan, và ông bị một binh sĩ Taliban tấn công khi đang trên đường về nhà, một ngày trước năm mới.
“Sao mày lại làm việc cho Chính phủ?” – Gã nói với ông. “Đây là Afghanistan, đám người Mỹ và bọn nước ngoài đang tạo ra Chính phủ – và mày đang làm việc cho cái Chính phủ ấy đấy.”
Sau đó, gã rút ra một con dao. “Và hắn làm thế này,” Nayab nói và kéo áo lên, để lộ bốn vết sẹo màu hồng quanh trái tim.
Hanh trinh kho khan vuot bien gioi Hungrai cua nguoi ti nan Syria-Hinh-6
Một nhóm người Afghanistan đi men theo đường tàu hỏa (Ảnh: Sima Diab/The Guardian)  
Không khí căng thẳng bắt đầu bao trùm trong “rừng rậm”. Nhiều người ở đây đang đợi hướng dẫn từ một người mà họ gọi là “Trưởng đoàn” – thực tế là những kẻ buôn lậu. Họ phải trả khoảng 10,000 euro (7,170 Bảng Anh) để được rời khỏi Afghanistan. Ở mỗi chặng trong chuyến phiêu lưu sang châu Âu này, họ đều phải gọi cho người này để nhận được chỉ dẫn mới. Có khi đó là một bộ định vị GPS xác định điểm tiếp theo họ nên đi đến, cũng có khi là một cuốc xe bus.
Thỉnh thoảng, “Trưởng đoàn” sẽ gửi hẳn một chiếc xe ô tô đến. Có một lần, khi họ chuẩn bị để đi bộ đến Iran, “Trưởng đoàn” đã đưa cho Niazi một bộ quần áo phương Tây, và đó là bộ đầu tiên mà anh ấy được mặc. “Ông ấy có ảnh hưởng ở mọi quốc gia,” Chàng sinh viên giải thích.
Trong khi chờ đợi thông tin từ “Trưởng đoàn”, mối lo lớn nhất là bị cảnh sát tấn công. Trong nỗ lực vượt biên từ Iran qua Thổ Nhĩ Kỳ, hai người bạn của Niazi đã bị lính biên phòng Iran bắn chết. Khi đến Bulgaria, cậu còn bị cảnh sát địa phương đánh đập và trấn lột.
Ở bụi cây gần đó, một võ sĩ Afghanistan nói vì quá căng thẳng nên anh phải hút thuốc. “Bình thường tôi không hút,” Ajmir, 21 tuổi, chạy trốn khỏi Afghanistan sau khi nghe tin một võ sĩ đồng nghiệp đã bị giết vì chơi một môn thể thao “quá sính ngoại” – “Ở đây thực sự rất nguy hiểm, tôi thấy rất lo lắng. Chúng tôi không có bất cứ giấy tờ nào, và tôi không muốn để lại dấu vân tay. Vì vậy tôi phải hút thuốc.”
Hanh trinh kho khan vuot bien gioi Hungrai cua nguoi ti nan Syria-Hinh-7
Người nhập cư đi qua Kanjiza, Serbia, phía Nam Hungary. (Ảnh: Sima Diab/The Guardian) 
Trở lại khu biên giới Hungary, Mohamed Hussein vội vã dập điếu thuốc sau khi đưa cho những người bạn của mình rít một hơi trước khi vượt biên. Họ thì thầm động viên nhau.
“Ở bên nhau, chúng ta sẽ làm được điều này,” Hussein nói với Nizam, người đã đi cùng anh từ Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó nhóm có thêm người, và họ cùng tiến về một lằn ranh vô hình, nơi bức tường Hungary đang đợi sẵn trước mặt.
“Bức tường đó, chúng tôi không bao giờ chấp nhận nó,” Hussein nói, và bước qua biên giới.
Theo Thành Đỗ/Vntinnhanh