Cuộc trưng cầu dân ý ngày 7/8 là thử nghiệm lớn đầu tiên đối với chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người đã lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014.
|
Biểu tình trước cuộc trưng cầu dân ý ngày 7/8 về hiếp pháp mới của Thái Lan. Ảnh ibtimes.co.uk |
Kết quả thăm dò ý kiến cho thấy phe ủng hộ hiến pháp mới đang dẫn điểm đôi chút, nhưng hầu hết các cử tri vẫn chưa quyết định. Có 50 triệu cử tri Thái Lan đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý và Ủy ban bầu cử dự kiến có đến 80% tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu. Kết quả sơ bộ được dự kiến được đưa ra vào khoảng 20h00 (giờ địa phương, 14 giờ GMT) ngày 7/8/2016.
Thủ tướng Prayuth đã tuyên bố rằng ông sẽ không từ chức, nếu cử tri Thái Lan bác bỏ hiến pháp mới và cuộc tổng tuyển cử vẫn sẽ diễn ra trong năm 2017, bất kể kết quả trưng cầu dân ý như thế nào.
Trước cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói: "Chúng tôi cần tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017 bởi vì đó là một cam kết mà chúng tôi cần thực hiện”. Ông này cũng nói thêm: “Cho đến nay, chưa có một hiến pháp nào nhận được sự ủng hộ của 100% cử tri”.
Những người chỉ trích nói rằng dự thảo hiến pháp lần này là nỗ lực của quân đội để loại bỏ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và chủ nghĩa dân túy của ông này khỏi chính trường Thái Lan, sau cuộc đảo chính gạt bỏ ông này trong năm 2006.
Mặc dù đang sống sống lưu vong, Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra vẫm có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Thái Lan, đặc biệt ở những vùng nông thôn ở phía bắc. Em gáiông là bà Yingluck đã lên nắm quyền với chiến thắng bầu cử long trời lở đất bầu trong năm 2011.
Ông Thaksin đã gọi hiến pháp được trưng cầu dân ý lần này là một "sự điên rồ" và nói rằng nó sẽ duy trì quyền lực của chính quyền quân sự và khiến cho việc cai trị một cách dân chủ ở Thái Lan là bất khả thi.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, một số quan chức cấp cao nói tham vọng của quân đội là làm cho các cuộc đảo chính là không cần thiết trong tương lai, thông qua hiến pháp mới làm suy yếu các đảng chính trị và bảo đảm cho quân đội giữ vai trò giám sát các diễn biến kinh tế-chính trị của Thái Lan.
Theo hiến pháp được đem ra trưng cầu dân ý lần này , Thượng viện Thái Lan sẽ dành cho quân đội quyền kiểm tra các nhà lập pháp được dân bầu.
Ông Gothom Arya, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiến tạo hòa bình của Đại học Mahidol, nói với Reuters: "Quân đội muốn can dự nhiều hơn vào việc điều hành đất nước, hoặc chí ít cũng đặt việc hoạt động của chính phủ dưới sự giám sát của họ”.
Tại thành phố Khon Kaen ở đông bắc Thái Lan, một cựu lãnh đạo địa phương của phe "Áo đỏ" ủng hộ gia đình Shinawatra cho biết quân đội vẫn là bên thắng cuộc trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới ngày 7/8/2016. Ông nói: “Bất kể kết quả trưng cầu dân ý như thế nào, chính quyền quân sự vẫn nắm giữ quyền hành”.
Cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới của Thái Lan diễn ra trong bối cảnh có nhiều quan ngại về sức khỏe của Quốc vương Bhumibol Adulyadej ( 88 tuổi). Trong nhiều năm qua, quân đội Thái Lan đã dựa vào chiêu bài “tôn kính” Quốc vương Bhumibol để biện minh cho việc can thiệp vào chính trường.
Bất kể kết quả trưng cầu dân ý hôm 7/8 như thế nào, Liên Hợp Quốc vẫn mong muốn một cuộc đối thoại giữa quân đội và và đối thủ chính trị ở Thái Lan.
Đại diện Liên Hợp Quốc tại Thái Lan Luc Stevens nói: “Sẽ không có sự hòa giải, nếu một bên tuyên bố cho phép hòa giải theo điều kiện của họ. Người ta cần phải suy nghĩ về một quá trình bao gồm đối thoại cởi mở và đảm bảo rằng mọi người đều có thể bày tỏ ý kiến của mình”.
Các đảng chính trị lớn nhất ở Thái Lan, trong đó có đảng trung thành với Thủ tướng bị lật đổ Thaksin, đã bác bỏ dự thảo hiến pháp được đem ra trưng cầu dân ý lần này, nhưng chính phủ quân sự đã cấm mọi cuộc vẫn động trưng cầu dân ý.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết chính quyền quân sự Thái Lan đã tạo ra một bầu không khí lạnh giá trước cuộc bỏ phiếu, thông qua những vụ vi phạm nhân quyền tràn lan. Ông Josef Benedict, Phó giám đốc khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, tuyên bố: "Nếu mọi người không thể bàn bạc một cách tự do hoặc tham gia vào các hoạt động chính trị mà không sợ hãi, thì làm thế để cuộc trưng cầu lần này thực sự có ý nghĩa?"
Minh Châu (Theo Reuters)