Ban lãnh đạo Nga gần đây đã gia tăng hỗ trợ quân sự cho quân đội Syria và nhấn mạnh rằng Moscow sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự, bao gồm cả các chuyên gia, cho Damascus.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết tiếp tục ủng hộ chính phủ Syria.
|
Các quan chức ở Moscow giải thích
viện trợ quân sự Nga ngày càng tăng cho quân đội Syria là nhằm đấu tranh chống khủng bố và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng vũ khí mới của Nga chắc chắn sẽ có tác động đáng kể trong các trận đánh ở Syria, giữa lúc có tin nói “không quân Syria đã bắt đầu sử dụng chiến đấu cơ phản lực do Nga mới cung cấp”.
Đài quan sát Syria cho Nhân quyền ở Syria có trụ sở tại Anh cho biết các lực lượng không quân Syria bắt đầu sử dụng máy bay chiến đấu mới để tấn công các vị trí của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) gần một sân bay bị bao vây ở tỉnh Aleppo ở miền bắc Syria.
Kênh truyền hình vệ tinh al-Mayadeen TV cũng cho biết "các loại vũ khí mà Nga mới gửi có hiệu suất cao, chính xác và quân đội Syria đã bắt đầu được đào tạo để sử dụng chúng”.
|
Sự hiện diện chiến đấu cơ và radar Nga sẽ cản trở mọi kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thiết lập một vùng đệm ở miền bắc Syria. |
Các nhà phân tích nhận định sự hiện diện chiến đấu cơ và radar Nga sẽ cản trở mọi kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thiết lập một vùng đệm ở miền bắc Syria. Nó cũng sẽ làm cho Israel “phải suy nghĩ hai lần” trước khi đem chiến đấu cơ tấn công các mục tiêu ở Syria như nước này đã nhiều lần thực hiện trong những tháng gần đây.
Về chính trị, các nhà phân tích nói rằng sự hiện diện quân sự gia tăng của Nga sẽ làm tăng cơ hội của một giải pháp chính trị và sẽ kết thúc sự thống trị đơn phương của Mỹ trong khu vực.
Nhà phân tích chính trị Maher Ihsan nói với Tân Hoa Xã: "Chắc chắn, sự hiện diện của Nga sẽ tăng cường cơ hội cho những giải pháp chính trị trong khu vực bởi vì nó phục hồi sự cân bằng chính trị đối với khu vực vốn đã phải chịu sức ép của Mỹ, nước vốn không có đối thủ cạnh tranh”. Ông nói thêm rằng "chỉ vài ngày sau khi có sự hiện diện quân sự của Nga, chúng tôi đã bắt đầu chứng kiến một sự thay đổi rõ ràng trong lập trường quốc tế về cuộc khủng hoảng ở Syria, cụ thể hơn về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad”.
Sự thay đổi trong lập trường quốc tế đã được phản ánh qua ý kiến gần đây của một số nhà lãnh đạo phương Tây, những người trước đây đòi hỏi Tổng thống Assad từ chức nhưng bây giờ lại nói ông Assad có thể là một phần của giải pháp chính trị ở Syria.
|
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop: "Nếu nhìn nhận sự can dự của Nga là một phần của giải pháp chứ không phải là một phần của vấn đề, thì chúng ta có thể lạc quan rằng sự can dự này là tích cực”.
|
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop gần đây nói: "Có một thực tế là Tổng thống Assad vẫn ở Syria và cũng có thực tế nữa là Nga đang ủng hộ Tổng thống Assad. Sự tham gia của Nga (trong các cuộc đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của họ) đã được cho là rất tích cực… Nếu nhìn nhận sự can dự của Nga là một phần của giải pháp chứ không phải là một phần của vấn đề, thì chúng ta có thể lạc quan rằng sự can dự này là tích cực”.
Trong một tuyên bố được coi là "đột phá", Thủ tướng Đức Angela Merkel nói Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải là một phần của các cuộc đàm phán và phương Tây “phải nói chuyện với nhiều bên, bao gồm cả Assad và những người khác”.
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel: Phương Tây “phải nói chuyện với nhiều bên, bao gồm cả Assad và những người khác”. |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một “đối thủ không đội trời chung” với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, gần đây cũng thừa nhận rằng "tiến trình chuyển tiếp" có liên quan đến al-Assad "là điều có thể”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nói mặc dù "Assad phải đi", nhưng "phương thức" và "thời gian" của việc ông này ra đi là một vấn đề cần được thảo luận.
Giải thích về sự thay đổi lập trường của Mỹ, một nhà phân tích chính trị Syria là ông Osama Danura nói: "Các con bài tủ của Mỹ trong khu vực đang giảm dần ... Mỹ không thể gửi quân tham chiến vì nhiều lý do, nhưng trái lại người Nga đang gia tăng hiện diện quân sự (ở Syria)”.
Nhà phân tích Osama nói rằng các đồng minh khu vực của Mỹ cũng không phải đang ở trong tình trạng ổn định nhất. Ả-rập Xê-út đang sa lầy trong cuộc chiến Yemen, còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phải vật lộn với các vấn đề nội bộ. Ông nhận định: “Lúc này chính là thời điểm tốt nhất để Nga can thiệp và giải quyết vấn đề theo các quy tắc riêng”.
Ông Sharif Shehadeh, một nhà lập pháp Syria, nói: “Cuối cùng, Mỹ cũng đã nhận ra rằng những gì đang xảy ra ở Syria không phải là một cuộc cách mạng, mà là các nhóm khủng bố đến khu vực, theo các kế hoạch của nước ngoài. Washington đã nhận ra mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và đó là lý do tại sao Mỹ bàn giao việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria cho người Nga, đặc biệt là sau những thất bại của liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu, khi hơn 6.000 cuộc không kích vào các vị trí IS tại Syria vẫn không thể ngăn chặn đà tiến của nhóm khủng bố này”.
Báo Assafir của Lebanon cho biết sự hiện diện quân sự gia tăng của Nga mang lại cho Moscow một lợi thế đàm phán với Washington về cuộc khủng hoảng Syria và tạo điều kiện cho Nga có một chỗ đứng lâu dài ở Địa Trung Hải, nơi nước này có một căn cứ hải quân ở cảng Tartus.
Báo này viết thêm rằng chính phủ Syria sẽ “thoải mái hơn” khi bước vào các cuộc đàm phán chính trị sau khi có sự can thiệp của Nga, bởi vì chính phủ này vẫn kiểm soát được những khu vực quan trọng, đông dân cư nhất trải dài từ bờ biển Địa Trung Hải đến Damascus thông qua Homs và Hama. Trong thời gian trước mắt, sự can thiệp quân sự của Nga đã loại bỏ khả năng lật đổ chế độ Assad.
Ông Bashar Jaafari, đại diện thường trực của Syria tại Liên Hợp Quốc, nói với Kênh truyền hình al-Mayadeen TV rằng Nga sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ quân sự cho Syria "vì Moscow cũng đã cảm nhận được rằng sự thất bại của phương Tây trong cuộc chiến chống IS sẽ có hậu quả tiêu cực và các nhóm khủng bố sẽ đe dọa nước Nga”.
|
Thủ lĩnh Phong trào Hezbollah Hassan Nasrallah: Tình hình chiến sự ở Syria sẽ tiến triển theo chiều hướng có lợi cho chính phủ Assad. |
Ngoài ra, ông Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Phong trào Hezbollah đang chiến đấu bên cạnh quân đội Syria trên nhiều mặt trận, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Tình hình chiến sự ở Syria sẽ tiến triển theo chiều hướng có lợi cho chính phủ Assad…Điều này sẽ củng cố và tăng cường cơ hội cho các giải pháp chính trị. Sự sẵn sàng đối thoại trong nội bộ Syria để đạt được một giải pháp chính trị là rất cao. Cản trở quá trình đối thoại này là các thế lực bên ngoài ... Nhưng khi lập trường của họ bắt đầu thay đổi, cơ hội cho các giải pháp chính trị ngày càng gia tăng”.
Minh Châu (Theo Tân Hoa Xã)