Hòa đàm Syria đang lâm vào bế tắc?

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi Liên Hợp Quốc thông báo hoãn  hòa đàm Syria đến ngày 25/2, nhiều chuyên gia cho rằng nội chiến Syria đang lâm vào tình thế bế tắc mới.

Các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt nội chiến Syria đang đứng ở bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới,  sau khi đặc phái viên Liên Hợp Quốc thông báo hoãn tạm thời hòa đàm Syria ở Geneva.
Sau cuộc họp với Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) - nhóm đối lập chính ở Syria - tại Geneva hôm 3/2, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura thông báo hoãn hòa đàm Geneva đến ngày 25/2.
Hoa dam Syria dang lam vao be tac?
Đặc phái viên LHQ de Mistura thông báo về việc hoãn tạm thời vòng đàm phán Syria sang ngày 25/2. 
“Đó không phải là kết thúc hay minh chứng cho sự thất bại của hòa đàm. Cả hai bên (phe chính phủ và phe đối lập Syria) đều ở đây. Họ khẳng định sẽ tham gia vào tiến trình chính trị đó”, ông Mistura nói.
Theo đó, vòng hòa đàm về khủng hoảng Syria tổ chức ở Thụy Sỹ là một phần trong lịch trình nêu ra ở Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước. Nghị quyết này nêu rằng, cần một lộ trình 18 tháng để chuyển tiếp chính trị ở Syria, trong đó có cả việc soạn thảo hiến pháp mới và tiến hành bầu cử.
Phản ứng sau tuyên bố hoãn hòa đàm của đặc phái viên de Mistura, trưởng phái đoàn HNC  Riyad Hijab cho biết, phái đoàn của ông sẽ rời Geneva và không quay lại cho tới khi tình hình ngoài chiến trường Syria thay đổi cũng như quân đội chính phủ Syria ngừng các cuộc không kích.
“Phe đối lập sẽ chỉ nói chuyện về lệnh ngừng bắn khi tiến trình chuyển giao chính trị không có sự tham gia của ông Assad (tức Tổng thống Syria)”, ông Riyad Hijab nói. “HNC sẵn sàng hỗ trợ cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mọi điều để chuyển giao quyền lực. Chúng tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế gây áp lực lên chính phủ Damascus và đồng minh chấm dứt bạo lực ở Syria”.
Ông Hijab cho hay, phe đối lập hi vọng “quân chính phủ mở vòng vây, cho phép các chuyến hàng viện trợ nhân đạo vào các vùng bị bao vây, thả tù binh và chấm dứt tất cả các cuộc không kích”.
Còn Đại sứ Syria ở Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông Bashar al-Jaafari chỉ trích HNC “tới hòa đàm ở Geneva muộn 4 ngày và từ chối tham gia đàm phán gián tiếp” với ông de Mistura.
Ông Bashar al-Jaafari gọi các tuyên bố của HNC là “trẻ con” và tố rằng, họ muốn rời Geneva là do bị một số nước khác xúi giục.
Ngoài ra, ông Jaafari còn bóng gió nói rằng sở dĩ LHQ hoãn cuộc hòa đàm là để biện minh cho quyết định bỏ cuộc của phái đoàn HNC.
Hoa dam Syria dang lam vao be tac?-Hinh-2
 Đại sứ Syria tại LHQ đồng thời là Trưởng phái đoàn chính phủ Syria Bashar al-Jaafari tham gia cuộc đàm phán tại Geneva.
Trước đó, một thành viên HNC tên Farah Atassi nói với Al Jazeera rằng  người dân Syria sẽ là những mục tiêu của các đợt tấn công gia tăng trong lúc hòa đàm ở Geneva diễn ra.
“Chúng tôi đang là mục tiêu của các cuộc tấn công trên bộ ở Syria. Chúng tôi tới đây là để giúp người dân không phải chịu cảnh đau thương. Sự hiện diện của chúng tôi ở đây là một thông điệp gửi tới thế giới rằng: Chúng tôi sẽ không nhượng bộ. Chúng tôi kêu gọi những bạn bè của Syria gây áp lực lên chính phủ Syria và Nga để chấm dứt các cuộc không kích trước khi bất cứ cuộc đàm phán nào diễn ra”, đại diện HNC nói.
Trước khi thông báo hoãn, đặc phái viên de Mistura cho biết, cuộc đàm phán ở Geneva này sẽ bắt đầu bằng các cuộc thương lượng kín dự kiến kéo dài trong vòng 6 tháng. Ở đó, phái đoàn phe đối lập và phe chính phủ Syria sẽ ngồi đàm phán ở các phòng riêng rẽ.
“Ưu tiên hiện nay là nhanh chóng thi hành lệnh ngừng bắn ở Syria, viện trợ nhân đạo và ngăn chặn mối đe dọa do IS tạo ra”, trích thông cáo của LHQ.
Trong khi đó, trên thực tế, tình hình chiến sự ở Syria không hề sụt giảm bất chấp các bên đang có mặt ở Geneva để thương thảo tìm hướng giải quyết.
Hãng thông tấn chính thức của Syria là SANA đưa tin, hôm 3/2, lực lượng chính phủ đã cắt đứt tuyến đường tiếp tế của quân nổi dậy ở tỉnh Aleppo.
“Quân đội và các đơn vị vũ trang hoạt động ở vùng nông thôn Aleppo đã phá vỡ vòng vây ở thị trấn Nubbul và al-Zahra do các tổ chức khủng bố lập ra”, SANA dẫn.
Chưa kể, hôm 1/2, quân đội chính phủ đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn từ phía bắc Aleppo và chiếm được nhiều thị trấn chiến lược quan trọng.
Vòng hòa đàm Geneva từng được nhiều bên kì vọng sẽ mở ra một “lộ trình” để kết thúc cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm ở Syria, cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ quê nhà tới tị nạn ở các nước khác.
Thanh Nga (theo Al Jazeera)