Hy Lạp đối mặt với tương lai bất định ở Eurozone

Google News

(Kiến Thức) - Hy Lạp đối mặt với tương lai bất định ở Eurozone, sau khi đa số cử tri nói không với “thắt lưng buộc bụng” trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7.

Với 97% số phiếu được kiểm,  61% cử tri Hy Lạp nói “không” và 38% nói “có” với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà các chủ nợ áp đặt.
Hy Lap doi mat voi tuong lai bat dinh o Eurozone
Đây là một chiến thắng quyết định của Thủ tướng Alexis Tsipras, người đã đánh cược tương lai của chính phủ và đất nước  Hy Lạp vào một canh bạc “được ăn cả, ngã về không” 
Đây là một chiến thắng quyết định của Thủ tướng Alexis Tsipras, người đã đánh cược tương lai của chính phủ liên minh 5 tháng tuổi và đất nước  Hy Lạp  vào một canh bạc “được ăn cả, ngã về không” với các chủ nợ từ Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng  Hy Lạp Alexis Tsipras  nói: "Hôm nay chúng ta ăn mừng chiến thắng của dân chủ" và mô tả ngày Chủ Nhật (5/7) là "một ngày tươi sáng trong lịch sử của Châu Âu”.  Ông nói thêm: "Chúng tôi đã chứng minh rằng ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, nền dân chủ cũng không bị tống tiền”.
Thủ tướng Tsipras nói kết quả trưng cầu dân ý sẽ tăng vị thế của Hy Lạp để đàm phán một thỏa thuận tốt hơn cho đất nước. Chính phủ của ông Tsipras tin rằng sẽ đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ trong vòng 48 giờ.
Nhưng các quan chức Châu Âu và hầu hết các đảng đối lập của Hy Lạp lại cho rằng cuộc trưng cầu dân ý này còn ngụ ý liệu Hy Lạp có tiếp tục ở lại với Eurozone, mặc  dù điều này không được ghi trên lá phiếu.  Các cuộc thăm dò dư luận hôm Thứ Sáu (3/7) cho thấy rằng hơn 74% dân chúng Hy Lạp  mong muốn đất nước họ ở lại với đồng euro.
Phản ứng của các quan chức châu Âu với kết quả trưng cầu dân ý sẽ rất quan trọng đối với Hy Lạp và một hội nghị thượng đỉnh Eurozone đã được triệu tập vào tối 7/7 để thảo luận về tình hình.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nói chuyện với nhau ngay trong tối 5/7 và đồng ý "cần phải tôn trọng cuộc bỏ phiếu của người dân Hy Lạp”.
Trong khi đó, người đứng đầu Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup)  Jeroen Dijsselbloem lại nói kết quả trưng cầu dân ý là "rất đáng tiếc cho tương lai của Hy Lạp".
Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem nói: "Để phục hồi nền kinh tế Hy Lạp, các biện pháp khó khăn và cải cách là không thể tránh khỏi. Chúng tôi sẽ chờ đợi các sáng kiến của nhà chức trách Hy Lạp”.
Phó thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng KInh tế Sigmar Gabriel nói rằng chính phủ Hy Lạp đã dẫn dắt dân chúng “vào một con đường khắc khổ, cay đắng và thất vọng”. Theo ông, Thủ tướng Tsipras đã "phá bỏ  cây cầu cuối cùng, qua đó châu Âu và Hy Lạp có thể tiến tới một thỏa hiệp". Ông  Gabriel nói với nhật báo Đức Tagesspiegel:  "Bằng cách nói ‘không’ với qui định của Khu vực đồng euro, thật khó để tưởng tượng cuộc đàm phán về một gói cứu trợ tiền tỷ”.
Bộ trưởng Tài chính Bỉ Johan Van Overtveldt thì phản ứng phần nào nhẹ nhàng hơn, khi nói kết quả trưng cầu dân ý ở Hy Lạp khiến cho vấn đề trở nên phức  tạp hơn  nhưng cánh cửa vẫn mở để nối lại đàm phán ngay lập tức.
Thời gian không ủng hộ Hy Lạp, một đất nước có nền kinh tế suy thoái kéo dài, với tỷ lệ thất nghiệp cao và các ngân hàng thiếu vốn đến mức nguy hiểm.  Gói cứu trợ quốc tế - theo đó HY Lạp đã nhận được gần 240 tỷ euro - đã hết hạn vào tuần trước và cùng ngày Hy Lạp không thể thanh toán nợ cho  IMF. Một số nhà phân tích nói rằng Hy Lạp đang rất thiếu tiền mặt và có thể bị buộc phải bắt đầu phát hành đồng tiền riêng.
Với chiến thắng áp đảo hơn so với dự kiến, Thủ tướng Tsipras  ở vào vị thế mạnh hơn khi đàm phán với các chủ nợ. Ông  Tsipras  đã đắc cử chức Thủ tướng Hy Lạp hồi tháng 1/2015, với cam kết bãi bỏ gói cứu trợ “thắt lưng buộc bụng”.
Nhà kinh tế Megan Greene của Manulife Asset Management  nhận định: "Chiến thắng này có thể sẽ làm cho chính phủ Hy Lạp mạnh hơn, nhưng lại không có tác dụng trong việc thuyết phục các chủ nợ rằng Tsipras là một đối tác đàm phán đáng tin cậy và có  khả năng  thực thi thỏa thuận. Bất kỳ thỏa thuận nào dành cho Hy Lạp đều sẽ liên quan đến một sự điều chỉnh tài khóa lớn hơn nhiều so với gói cứu trợ  mà người Hy Lạp đã bỏ phiếu ngày hôm nay (5/7). Tôi không nghĩ rằng nước Đức sẵn sàng nhượng bộ Tsipras”.
Nghị sĩ  Vangelis Meimarakis  của Đảng Dân chủ mới đối lập cho biết ông hy vọng Thủ tướng Tsipras thực  hiện cam kết nhanh chóng đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ. Ông nói: "Nếu không có một thỏa thuận trong vòng 48 giờ như thủ tướng đã hứa, chúng ta sẽ đi đến thảm kịch".
Minh Châu (Theo AP)