Điều tra vụ máy bay C-130 rơi, các quan chức không quân Indonesia cho biết một cánh quạt của máy bay bị trục trặc và chiếc Hercules C-130 đã không bay đủ vận tốc sau khi cất cánh từ một căn cứ không quân ở thành phố Medan.
|
Các quan chức nói có 122 người ở trên máy bay C-130 khi nó gặp nạn, cao hơn nhiều so với con số được quân đội công bố lúc ban đầu. |
Các nhân chứng đã nhìn thấy khói và lửa bùng ra từ chiếc
máy bay vận tải quân sự C-130 đã hoạt động suốt 51 năm qua khi nó quặt sang bên phải để quay lại sân bay cất cánh trước khi đâm xuống đất hôm 30/6. Theo VOA, Đại tướng Agus Supriatna, Tư lệnh Không quân Indonesia, cho biết chiếc vận tải cơ đã đánh điện để xin quay lại căn cứ trước khi bị rơi.
Chiếc máy bay đã bốc cháy dữ dội sau khi đâm xuống hai ngôi nhà và một khách sạn, gây thiệt hại nặng nề. Chính quyền Indonesia chuẩn bị ngừng công tác cứu hộ sau khi không phát hiện thêm thi thể nào trong ngày 2/7.
Các quan chức nói có 122 người ở trên máy bay C-130 khi nó gặp nạn, cao hơn nhiều so với con số được quân đội công bố lúc ban đầu. Phần lớn hành khách là quân nhân và thân quyến của họ. Khoảng 20 người ở dưới đất bị thiệt mạng.
Một số gia đình nạn nhân nói rằng các hành khách đã phải trả tiền cho quân đội để được đi máy bay. Các quan chức quân sự đã bác bỏ điều này, nhưng nói sẽ điều tra xem liệu có sự vi phạm quy định nào hay không.
Vụ tai nạn mới nhất này lại gây ra thêm quan ngại về tiêu chuẩn an toàn hàng không quân sự của Indonesia.Theo tổ chức có tên gọi Mạng lưới An toàn Hàng không, đây là vụ rơi máy bay quân sự chết chóc thứ 6 của không quân Indonesia trong vòng một thập kỷ qua. Ngày 1/7, Không quân Indonesia quyết định ngưng bay đối với phi đội vận tải cơ Hercules sau khi chiếc C-130 rơi xuống khu dân cư ở thành phố Medan.
Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo, hứa thay tất cả máy bay quân sự cũ kỹ, sau khi xảy ra thảm họa Medan. Theo giới phân tích, máy bay vận tải iữ một vai trò rất quan trọng đối với lực lượng không quân của Indonesia, một nước có hơn 13.000 hòn đảo.
Minh Châu (TH)