Trong tuần này, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã dùng Lữ đoàn đặc nhiệm Al Kharsha đánh Tây Ban Nha, gây ra vụ tấn công khủng bố lớn nhất ở Châu Âu sau vụ tấn công ngày 14/11//2015 giết chết 140 người ở thủ đô Paris.
|
Cảnh sát bảo vệ hiện trường vụ dùng xe bán tải tấn công khủng bố ở Barcelona. Ảnh: Reuters |
Vụ tấn công khủng bố ở Barcelona (Tây Ban Nha) đã sát hại 14 thường dân và làm bị thương hơn 100 người - trong đó có 20 người bị thương nặng. 7 kẻ khủng bố cũng bị tiêu diệt.
Tín hiệu tấn công khủng bố đầu tiên được phát vào đêm 16/8, với hai vụ nổ lớn tại một ngôi nhà ở thị trấn Alcanar, cách Barcelona 190km về phía nam. Bên trong ngôi nhà, cảnh sát đã tìm thấy một phụ nữ đã chết, một người đàn ông bị thương cùng với 20 can đựng khí butan và propan. Đây tõ ràng là một xưởng chế tạo bom.
Trong ngày 17 và 18/8 đã xảy ra hai vụ tấn công khủng bố liên tiếp ở Tây Ban Nha. Vụ đầu tiên ở thành phố Barcelona, nơi một chiếc xe tải đã lao vào hàng trăm người trên đại lộ Las Ramblas, giết chết 13 người và làm bị thương 100 người khác. Sau đó vào sáng ngày 18/8, năm kẻ khủng bố khoác đai bom ngồi trên một chiếc xe gây thương tích cho 6 thường dân, trong số đó có một phụ nữ. Chúng bị bắn chết trong một cuộc đọ súng với cảnh sát. Su khi kiểm tra, các đai bom mà chúng đeo trên người đều là đồ giả.
Rõ ràng, các cuộc tấn công khủng bố làm rung chuyển xứ Catalonia nói trên đã được điều khiển từ một trung tâm điều khiển duy nhất, với hàng chục kẻ khủng bố có vũ trang và nhiều kẻ hỗ trợ. Nhiều tên khủng bố có vũ trang vẫn chưa bị bắt, vì vậy làn sóng bạo lực ở Tây Ban Nha vẫn chưa kết thúc.
Cảnh sát Barcelona đã bắt hai nghi phạm và đang bị thẩm vấn về các cuộc tấn công trong tương lai và các “tiểu tổ” khủng bố sẵn sàng hành động.
Hồi đầu tháng này, các phương tiện truyền thông Anh đã tiết lộ sự tồn tại của Lữ đoàn Al-Kharsha do cái gọi là Nhà nước Hồi giáo thành lập ở Syria để đào tạo những kẻ khủng bố có hộ chiếu châu Âu cho các cuộc tấn công ở châu lục này.
Các nguồn chống khủng bố của DEBKAfile cho biết tên đầy đủ của lữ đoàn này là Amniyat Al-Kharji. Các thành viên của Lữ đoàn Al-Kharsha được đào tạo đặc biệt, được chuẩn bị tâm lý kỹ càng để tiến hành tấn công khủng bố đủ lâu để gây thương vong tối đa và sẵn sàng “tử vì đạo”.
Rất ít trong số hàng trăm tân binh tham gia vào lữ đoàn này kết thúc thành công khóa huấn luyện và trở thành những kẻ khủng bố thực thụ. Nhiều tên khủng bố của Lữ đoàn Al-Kharsha trở về quê hương bản quán và chờ đợi mệnh lệnh tấn công của cấp trên ở Syria. Một số ít ở lại Syria để làm liên lạc viên giữa trung tâm chỉ huy của IS và các nhóm khủng bố đã được bí mật cài cắm ở nhiều nước.
Theo các chuyên gia tình báo phương Tây, có khoảng 50 tên khủng bố đến từ Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bỉ đã hoàn thành khoá huấn luyện của Lữ đoàn Al-Kharsha và đủ điều kiện để giết người hàng loạt ở đất nước sinh ra chúng.
Cho đến đầu năm 2017, ước tính có khoảng 5.000 công dân Châu Âu đã chiến đấu cho cái gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq. Một phần ba trong số này, tức là khoảng 1.600 tay súng, đã trở về nhà. Khoảng 3.400 công dân Châu Âu ở lại Syria và được cho là tham gia các đơn vị chiến đấu của IS hoặc các chương trình chế tạo vũ khí. Những kẻ này có lẽ đã tạo ra những chiếc máy bay không người lái vũ trang của IS trên các chiến trường Syria và Iraq.
Các cơ quan an ninh của Israel và các nước phương Tây vẫn khó có thể chấp nhận thực tế Nhà nước Hồi giáo đang điều hành một đội quân thường trực và có một trung tâm chỉ huy duy nhất điều khiển các “tiểu tổ khủng bố” - bất kể chúng ở Syria, Iraq, Trung Đông hoặc ở Châu Âu. Quan điểm này cho phép các cơ quan có thẩm quyền rũ bỏ trách nhiệm cho các cơ quan tình báo, khi các cuộc tấn công khủng bố không được ngăn chặn.
Nhưng điều đó cũng có nghĩa là đánh giá thấp khả năng chiến đấu của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo trên chiến trường, mặc dù các cuộc tấn công của IS cho thấy đây là một đội quân chuyên nghiệp, xét về các chiến thuật và sử dụng lực lượng. Khi bị thất trận, các đơn vị của phiến quân IS cũng rút lui một cách có trật tự, như đã thấy ở cả Iraq lẫn Syria.
Cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tuyên bố một số hoạt động khủng bố được các phần tử cực đoan địa phương thực hiện, theo tinh thần của IS và không có lệnh từ phía trên. Tuy nhiên, cuộc khủng bố kinh hoàng kéo dài ba ngày ở Tây Ban Nha tuần này đều mang dấu ấn IS trong khâu lên kế hoạch và thực thi.
Minh Châu (Theo DEBKAfile)