Từ lâu, các chính phủ phương Tây đã lo sợ về khả năng nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo IS âm thầm xâm nhập Châu Âu. Giờ đây, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua đang diễn ra, lời cảnh báo này một lần nữa lại xuất hiện, khi hàng nghìn người di cư đang tiếp tục đổ về châu Âu - làm dấy lên mối quan ngại rằng phiến quân IS có thể cũng đang đổ về châu lục này.
|
Người ta không loại trừ khả năng phiến quân IS trà trộn vào dòng người tị nạn xâm nhập Châu Âu để tấn công khủng bố.
|
Những kẻ buôn người được cho là đang giúp những nhóm nhỏ các
chiến binh IS xâm nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu trong nhiều tháng qua, trà trộn trên những con tàu chở hàng cùng với hàng trăm người tị nạn. Khoảng 4.000
tay súng IS được cho là đang chờ đợi để vào châu Âu nhằm thực hiện các cuộc tấn công khủng bố. Những cuộc tấn công như vậy, như IS từng tuyên bố, là nhằm trả đũa các cuộc không kích của liên minh do Mỹ đứng đầu đang nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq và Syria.
Trong những tháng gần đây, hàng trăm nghìn người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria đã tìm cách tới châu Âu, nơi được cho là có nhiều cơ hội về kinh tế hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện có hơn 1 triệu người Syria đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tôi đang giúp một số tay súng muốn trở lại thăm gia đình của họ. Những người khác muốn tới châu Âu cũng đã sẵn sàng", một kẻ buôn người giấu tên nói và cho biết thêm rằng, ngoài một số tay súng đến từ Syria, còn có nhiều chiến binh đến từ các quốc gia khác ở Trung Đông, thậm chí cả Châu Âu và Mỹ.
Nỗi sợ IS có thể trà trộn vào dòng người tị nạn để xâm nhập đã khiến một vài chính trị gia Châu Âu ủng hộ một cách tiếp cận thận trọng trong việc tiếp nhận những người tị nạn Syria. Nigel Farage, lãnh đạo Đảng Độc lập cánh hữu Anh, cho biết "có một nỗi sợ hãi rất thật" rằng những kẻ cực đoan đang khai thác cuộc khủng hoảng người nhập cư này để vào Châu Âu, đồng thời cảnh báo các chính trị gia không "được phép để lòng thương làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia".
Trong khi đó, Chủ tịch ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ Richard Burr cũng thừa nhận rằng ông đã nhận thức về việc các phần tử cực đoan ở Syria dường như đang lợi dụng dòng người di cư để vào Châu Âu. "Tôi nghĩ rằng chắc chắn điều đó đang diễn ra. Nhưng ở cấp độ nào thì tôi không chắc chúng ta biết", ông Burr nói.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động và các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi những quốc gia Châu Âu làm nhiều hơn nữa để giúp những người tị nạn tìm thấy sự an toàn ở chính quốc gia của họ. Khoảng 11 triệu người Syria đã bị mất nhà cửa do xung đột. Khoảng 4 triệu người đã phải rời khỏi đất nước này, chủ yếu là sang tị nạn ở các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Lebanon. Đức cũng đã chào đón hàng trăm người tị nạn Syria, trong khi Áo và Hungary tìm cách ngăn cản người di cư vào lãnh thổ của họ.
Theo Báo Tin tức