Cả Bắc Kinh lẫn Bangkok đều tuyên bố rằng chưa có bất kỳ thỏa thuận cấp chính phủ nào về xây dựng Kênh đào Kra có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc.
|
Ước mơ đào kênh qua eo đất Kra có từ thế kỷ 17.
|
Đầu tuần này, phương tiện truyền thông tiếng Hoa đưa tin rằng Trung Quốc và Thái Lan đã ký một thỏa thuận xây dựng một kênh đào qua Eo đất Kra Isthmus (Kênh đào Kra), tạo ra một tuyến đường vận tải biển tránh đi qua Eo biển Malacca. Sau đó, hai chính phủ Trung Quốc và Thái Lan đều phủ nhận thông tin này.
Báo Oriental Daily ở Hong Kong nói rằng "đại diện" của Trung Quốc và Thái Lan (ngụ ý sự tham gia của chính phủ) đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng Kênh đào Kra tại Quảng Châu. Thậm chí, báo này còn thông tin chi tiết về việc xây dựng con kênh dài 102 km, rộng 400 mét và sâu 25 mét này. Công việc xây dựng sẽ kéo dài 10 năm, với chi phí 28 tỷ USD.
|
Kênh đào Kra sẽ rút ngắn tuyến đường vận tải biển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương tới 1.200 km.
|
Kênh đào Kra sẽ rút ngắn tuyến đường vận tải biển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương tới 1.200 km và tiết kiệm đến 5 ngày thời gian đi lại của thương thuyền. Với những lợi ích to lớn đó, ý tưởng xây dựng Kênh đào Kra đã từng được thảo luận từ thế kỷ 17.
Ý tưởng xây dựng Kênh đào Kra đã được thổi một luồng sinh khí trong thời gian gần đây, khi Trung Quốc theo đuổi chương trình “Con đường tơ lụa trên biển” (MSR) đầy tham vọng, nối liền bờ biển của Trung Quốc với Ấn Độ Dương và thậm chí với cả Địa Trung Hải. Kênh đào Kra sẽ là một dự án quan trọng đối với MSR và sẽ có lợi ích chiến lược là giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Eo biển Malacca. Hiện thời, khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua Eo biển Malacca dễ bị Mỹ phong tỏa.
Các nhà phân tích Trung Quốc đã nói nhiều về sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc vào Eo biển Malacca và đây chính là động lực thúc đẩy việc xây dựng Kênh đào Kra. Theo họ, Kênh đào Kra là một dự án rất hấp dẫn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Nhưng mơ ước là một chuyện, còn có trở thành hiện thực hay không thì lại là chuyện khác.
Một quan chức Bộ Giao thông vận tải Thái Lan nói với Kênh NewsAsia rằng hiện không có kế hoạch nào về việc xây dựng Kênh đào Kra. Một quan chức chính phủ, yêu cầu giấu tên, nói rằng rất có thể phía Trung Quốc muốn thúc đẩy dự án này, nhưng phía Thái Lan lại tỏ ra không mấy mặn mà. Quan chức này cho biết: "Hầu như chắc chắn, (chính phủ) Thái Lan không đồng ý với dự án này (Kênh đào Kra) vì lo ngại về an ninh quốc gia. Ý tưởng xây dựng kênh đào (Kra) sẽ không thể sớm trở thành hiện thực”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không biết gì về các cuộc thảo luận xây dựng Kênh đào Kra. Trả lời câu hỏi về thỏa thuận Trung Quốc-Thái Lan liên quan đến việc xây dựng Kênh đào Kra, phát ngôn viên Hồng Lỗi nói: "Chúng tôi chỉ biết tin này qua báo chí. Tôi không nghe nói về bất kỳ kế hoạch tham gia dự án này của chính phủ Trung Quốc”.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Thái Lan đã đưa ra sự phủ nhận tương tự, nói rằng không có bất kỳ cơ quan chính phủ Trung Quốc nào hợp tác với các đối tác Thái Lan về dự án Kênh đào Kra. Thậm chí, không hề có nghiên cứu chung nào giữa hai bên.
|
Đối với Trung Quốc, việc kiểm soát Kênh đào Kra sẽ là “của trời cho” về chiến lược, nhưng đây lại là "mối lo an ninh" đối với Thái Lan.
|
Kênh NewsAsia cho rằng tin tức của Oriental Daily có thể đã dựa trên một sự lầm lẫn giữa các nhóm tư nhân và các cơ quan chính phủ. Thái Lan không hề có một "Ủy ban kênh Kra", nhưng có nhiều nhóm vận động bao gồm các doanh nhân và cựu quan chức, nhưng không kết nối trực tiếp với chính phủ hiện tại. Các nhóm vận động của hai bên có thể đã thực sự gặp nhau ở Quảng Châu để thảo luận về dự án Kênh đào Kra.
Kênh đào Kra rõ ràng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Bắc Kinh, đặc biệt khi các doanh nhân Trung Quốc đi đầu trong việc xây dựng kênh đào. Một doanh nhân Trung Quốc đang chủ trì việc xây dựng một con kênh đi qua Nicaragua để cạnh tranh với Kênh đào Panama, nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Đổi lại, các công ty Trung Quốc sẽ nhận được nhượng quyền kiểm soát Kênh đào Nicaragua 50 năm. Trung Quốc theo đuổi một thỏa thuận tương tự, xây dựng cảng Colombo gây nhiều tranh cãi ở Sri Lanka.
Đối với Trung Quốc, việc kiểm soát Kênh đào Kra sẽ là “của trời cho” về chiến lược, nhưng đây lại là "mối lo an ninh" đối với các quan chức Thái Lan. Các nhà phân tích Trung Quốc đã suy đoán rằng một khi nắm quyền kiểm soát Kênh đào Kra, Trung Quốc có thể từ chối không cho tàu của một số nước đi qua và đẩy Thái Lan vào tình thế khó xử.
Nhìn chung, “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc đang phải đối mặt với thái độ nghi ngờ của các nước láng giềng gần nhất do lo ngại an ninh và sự không chắc chắn về ý đồ của Trung Quốc trong khu vực.
Có thể nói, Kênh đào Kra vẫn còn là một ước mơ xa vời đối với Trung Quốc và chưa biết đến khi nào mới trở thành hiện thực.
Minh Châu (Theo The Diplomat)