Trung Quốc tuyên bố có dầu khí ở khu vực hạ đặt giàn khoan
Hãng Reuters dẫn lời các chuyên gia dầu khí Trung Quốc đưa tin, có khả năng khu vực thăm dò trái phép của giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) tại vùng biển Việt Nam có đủ lượng khí đốt để đưa vào khai thác.
“Địa điểm giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động có thể là một giếng khí đốt. Trung Quốc đã tiến hành hoạt động khảo sát địa chất ba chiều trước khi hạ đặt giàn khoan vào đây”, Reuters dẫn lời ông Ngô Thế Xuân, chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông theo cách gọi của Trung Quốc - PV), cơ quan nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc đặt trên đảo Hải Nam.
“Trung Quốc rất tự tin, nếu không họ đã không khoan ở đấy”, ông Ngô Thế Xuân cho biết thêm.
|
Trung Quốc tự tin vào trữ lượng dầu khí ở khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. |
Một quan chức ngành dầu khí Trung Quốc thông thạo tình hình giàn khoan Hải Dương 981 cho biết, nhóm thăm dò của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đánh giá tiềm năng của khu vực hạ đặt giàn khoan HD981 khá tốt dựa trên các dữ liệu được thu thập trong khoảng 10 năm.
“Nhưng dĩ nhiên chúng ta sẽ không biết chính xác trữ lượng là bao nhiêu cho đến khi khoan,” vị quan chức giấu tên cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, nếu giàn khoan tìm được cái gì đó có giá trị, Trung Quốc sẽ đặt cơ sở khai thác và triển khai tàu đặt đường ống. Quá trình này có thể mất vài năm trong khi việc khai thác có thể kéo dài hàng chục năm.
Lạc quan "tếu" hay cố ý tung hỏa mù?
Mặc dù Trung Quốc tỏ vẻ rất tự tin về việc có thể tìm thấy khí đốt ở khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan HD981, nhưng đây có thể chỉ là 1 cách tung hỏa mù của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận quốc tế và trong nước này; giống như một cái cớ để che giấu dã tâm phi pháp muốn thâu tóm Biển Đông thành... ao nhà của Bắc Kinh.
Vậy, thực chất ở khu vực này có giếng khí đốt hay không? Tại cuộc họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 7/5 tại Hà Nội, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có những phân tích khá chi tiết về nguồn tài nguyên, khả năng khai thác dầu khí ở vùng biển mà Trung Quốc đưa giàn khoan vào.
Theo ông Hậu, vùng biển mà phía Trung Quốc đang tiến hành tranh chấp, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 thuộc lô 143 – 142 cách phía Nam đảo Tri Tôn 17 hải lý (30km), cách đảo Lý Sơn ở phía Đông khoảng 180 hải lý. Khu vực này có độ nước sâu trung bình khoảng 1.000m.
|
Tiềm năng dầu khí của khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 không cao. |
“Về tiềm năng dầu khí tại khu vực này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện nhiều đợt khảo sát, không phải bây giờ mới khảo sát mà kể từ thời trước nữa. Năm 1972, chúng ta còn thuê một công ty của Mỹ để khảo sát tiềm năng dầu khí tại đây. Sau đó thì chúng ta xuất bản tài liệu. Những nghiên cứu của Petro Việt Nam về tiềm năng dầu khí tại khu vực này đã có, nhiều nghiên cứu còn được in ra.
Tổng quan mà nói thì khu vực này tiềm năng dầu khí không cao, tuy nhiên vấn đề này hiện vẫn chưa được đánh giá kỹ vì chúng ta chưa đủ tài liệu và cũng chưa khoan. Tại sao bây giờ Petro Việt Nam chưa khoan vì đây là vùng nước sâu và chúng ta chưa có thiết bị để khoan ở khu vực này. Phần lớn các hoạt động thăm dò, đặc biệt hoạt động khai thác dầu khí thì chúng ta thực hiện ở vùng biển nông hơn. Chúng tôi vẫn có kế hoạch thăm dò khai thác dầu khí ở những vùng biển xa hơn, kể cả khu vực lô 142-143”, ông Hậu cho hay.
"Để khai thác dầu khí ở một khu vực, chúng ta phải xây dựng rất nhiều công trình cố định và thực hiện rất nhiều công việc, các hoạt động dầu khí liên quan như thăm dò thêm… Để khai thác được dầu khí ở vùng biển nước sâu thì đòi hỏi một chương trình đầu tư rất tốn kém. Chúng tôi tin rằng trong tương lai gần không ai có thể khai thác được dầu khí ở khu vực này”, ông Hậu cho biết thêm.
Việt Nam không phải là nước duy nhất đánh giá thấp tiềm năng dầu khí tại khu vực này. Mới đây nhất, kết luận của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) về tiềm năng dầu khí tại Biển Đông cũng khẳng định thêm những phân tích trên của Petro Việt Nam. Theo đó, EIA cho biết, Biển Đông ít có dầu khí và thậm chí quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn không có dầu mỏ.
Theo EIA, không giống như các bộ phận khác của Biển Đông, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không có trữ lượng lớn về tài nguyên dầu khí.
Phân tích của EIA cho thấy, hầu hết các khu vực chứa dầu khí đã được phát hiện là các khu vực không có tranh chấp và ở gần bờ của các quốc gia ven biển. Nguồn tin công nghiệp cho thấy, hầu như không có dầu và chưa đầy 4 tỷ m3 khí đốt tự nhiên ở các khu vực gần quần đảo Trường Sa. Thậm chí, quần đảo Hoàng Sa chỉ có một ít khí đốt tự nhiên và hoàn toàn không có dầu mỏ.
Nếu dự báo của EIA là chính xác, người ta tự hỏi vì sao Trung Quốc lại “cố sống, cố chết” đưa giàn khoan nước sâu HD 981 đến khu vực ít tiềm năng dầu khí gần quần đảo Hoàng Sa và nằm trên thềm lục địa Việt Nam cũng như mặt dày cho rằng nơi đây có tiềm năng về dầu khí bất chấp chi phí vận hành, bảo vệ vô cùng tốn kém cũng như vấp phải phản ứng dữ dội của Việt Nam và sự lên án của cộng đồng quốc tế?
Liệu có phải đây là những bước đầu tiên trong mưu đồ “độc chiếm Biển Đông”. Nếu bước đầu tiên này không bị ngăn chặn, một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ ngang nhiên tiến hành khoan thăm dò và khai thác (với sự tháp tùng của tàu chiến) ở những khu vực thuộc chủ quyền nước khác ở Biển Đông – với mưu đồ thay đổi hiện trạng “
biến không có tranh chấp thành tranh chấp và biến cái của người khác thành của mình”.
Trung Quốc khát dầu thế nào?
Theo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), năm 2013, một ngày Trung Quốc tiêu thụ khoảng 10,1 triệu thùng dầu trong khi chỉ tạo ra được khoảng 4,2 triệu thùng. Chính phủ Trung Quốc đang ngày càng lo lắng do sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu của nước này đang tiếp tục tăng, đạt mức 60% trong năm 2014. Hiện tại Trung Quốc có hàng loạt các hoạt động đầu tư và các dự án trên toàn cầu ở Châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và Bắc Mỹ nhằm tăng các nguồn cung dầu mỏ.
Ngô Trang