Trong khi chính phủ Mỹ và các đồng minh phương Tây đang thắt chặt lệnh trừng phạt chống lại Nga thì tại cung điện Yusupovsky ở St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp thân mật với cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder.
Bức ảnh chụp lại cái ôm giữa ông Putin và ông Schröder tại bữa tiệc sinh nhật lần thứ 70 của ông Gerhard Schröder đã được đưa lên trang chủ nhiều tờ báo ở châu Âu vào ngày 29/4 và gây cho chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel không ít bối rối.
Chính phủ của bà Merkel ngay lập tức tạo khoảng cách với ông Schröder – hiện đang là quan chức cấp cao tại một công ty liên doanh Đức – Nga vận hành đường ống dẫn khí đốt giữa 2 nước. Tuy vậy, bức ảnh cũng cho thấy mối quan hệ năng lượng giữa Đức và Nga – một trong những trở ngại lớn nhất đối với các nỗ lực của chính phủ ông Obama trong việc xây dựng một châu Âu vững chắc và đoàn kết nhằm chống lại Nga ở Ukraine.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự bữa tiệc sinh nhật của cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder.
|
Chính phủ Mỹ sẽ phải đối mặt với sự thật là châu Âu có nhiều thứ để mất nếu các lệnh trừng phạt chống lại Nga được ban hành.
Một điển hình là lệnh trừng phạt nhằm vào ngành công nghiệp năng lượng Nga sẽ là phương thức hữu hiệu nhất để thu hút sự chú ý của Tổng thống Putin, nhưng sẽ gây ra thiệt hại cho Đức khi 1/3 lượng khí đốt của Đức do Nga cung cấp.
Anh cũng đang lo ngại về các lệnh trừng phạt khối ngân hàng dành cho Nga. Pháp lại bày tỏ mối lo ngại ề các lệnh trừng phạt nhằm vào nền công nghiệp quốc phòng của Nga khi Pháp đang hoàn thành hợp đồng 1,6 tỷ USD đóng tàu đổ bộ cho Nga. Các nước Địa Trung Hải lại lo lắng về các sản phẩm hàng hóa cao cấp trong khi khu vực Bắc Âu lại lo lắng về nguồn nhập gỗ.
“Đây là một thử thách khi muốn phân phối đồng đều thiệt hại cho mỗi nước”, một quan chức ngoại giao EU cho hay.
Các tập đoàn lớn ở mỗi nước đều đang vận động để đảm bảo rằng lợi ích của họ không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
"Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có nhiều cuộc điện đàm tới các nhà lãnh đạo đồng minh trước và trong suốt chuyến công du châu Á. Tuy nhiên bất chấp sự bảo đảm từ các chính phủ cũng như các tuyên bố công khai của các nhà lãnh đạo châu Âu về việc họ đang đoàn kết, mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng về việc liệu EU có sẵn sàng cho các lệnh trừng phạt hay không", một quan chức ngoại giao giấu tên cho biết.
“Có sự khác biệt giữa những gì các nhà lãnh đạo tuyên bố trước công chúng và những gì các bộ trưởng bộ ngoại giao và quan chức bàn bạc ở Brussels trong các phiên họp về Ukraine”, vị quan chức kể trên cho hay.
Mặc dù Anh và một số nước đã đồng ý với Mỹ về lệnh trừng phạt đối với các công ty Nga nhung Đức, Italy, Hi Lạp và một số nước khác vẫn chủ trương hoãn lại lệnh trừng phạt khi các ngoại trưởng họp vào ngày 28/4 để thông qua các lệnh trừng phạt.
Lê Trang