Liên minh chống IS vẫn “trong vòng luẩn quẩn”

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ cầm đầu vẫn chưa có một chiến lược toàn diện và hữu hiệu.

Trong khi thừa nhận liên minh chống IS chưa có chiến lược toàn diện và hiệu quả, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Lầu Năm Góc đang soạn thảo kế hoạch huấn luyện binh sĩ Iraq một cách hiệu quả, nhưng công tác tuyển mộ binh sĩ từ các bộ tộc Hồi giáo Sunni cần được coi là một ưu tiên.
Lien minh chong IS van
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức, Tổng thống Obama thừa nhận Liên minh chống IS chưa có chiến lược toàn diện và hữu hiệu.
Ông cũng tái khẳng định việc phải chặn đứng làn sóng các chiến binh nước ngoài tràn vào Iraq, khi mà hàng ngàn các phần tử thánh chiến vẫn đổ vào Syria và tiếp tục cuộc hành trình sang Iraq.
Các giới chức Mỹ khoe rằng chiến dịch không kích trong thời gian qua đã hạ sát 10.000 phiến quân IS. Thế nhưng, theo VOA, Nhà nước Hồi giáo vẫn tiếp tục bành trướng, hiện đang kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq và hơn nửa lãnh thổ Syria.
Tiếp tục cung cấp vũ khí cho Nhà nước Hồi giáo?
Một số quan sát viên cho rằng Washington đang lâm vào tình thế nan giải: thông qua việc vũ trang cho các đồng minh, thì Mỹ  cũng tiếp tục vũ trang cho kẻ thù của nước này.
Phiến quân IS đã có trong tay nhiều vũ khí Mỹ thông qua đám binh sĩ Iraq “bỏ của chạy lấy người” trong các cuộc giao tranh và thông qua những phần tử nổi dậy được cho là “ôn hòa” được Mỹ vũ trang ở Syria.
Lien minh chong IS van
Cam kết mới của Mỹ tái vũ trang cho binh sĩ Iraq có khi đồng nghĩa với việc “tiếp tục cung cấp vũ khí cho quân thù”. 
Theo nhà phân tích Max Boot, cam kết mới của Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo là tái vũ trang cho binh sĩ Iraq và điều này đồng nghĩa với việc “tiếp tục cung cấp vũ khí cho quân thù”. Ông nói: “Chúng ta có thể hoặc đình chỉ việc gửi vũ khí hoặc có thể làm tốt hơn công tác huấn luyện người Iraq để họ có thể chiến đấu một cách hữu hiệu hơn chứ không bỏ chạy khi phải đối đầu với một cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo. Tôi tán đồng giải pháp thứ hai”.
Cần có sách lược khôn khéo chống IS
Các chuyên gia nói muốn đạt được thắng lợi, liên minh do Mỹ cầm đầu không những phải có thêm lực lượng, mà còn cần một cuộc tác chiến khôn khéo hơn.
Nhà phân tích Max Boot, thành viên kỳ cựu về an ninh quốc gia của tổ chức Hội đồng Đối ngoại, nhận định rằng khi lên nhậm chức, Tổng thống Obama đã hứa hẹn với dân chúng Mỹ về việc rút ra khỏi các cuộc chiến tranh Trung Đông và hiện giờ thì ông Obama lại không có đủ quyết tâm chính trị để đánh bại Nhà nước Hồi giáo. Ông nói thêm rằng Mỹ cần phải tập trung vào việc huấn luyện binh sĩ Sunni chống lại Nhà nước Hồi giáo, hơn là chỉ dựa vào lực lượng Shi’ite vốn gây khó khăn hơn cho cuộc chiến vì chia rẽ phe phái.
Tán đồng ý kiến trên, nhà phân tích Andreas Krieg của Đại học Hoàng gia ở London nói ngoài việc huấn luyện tốt hơn, các chiến binh Sunni đó cần phải có động cơ chiến đấu cụ thể. Ông cho rằng không thể dựa vào các chiến binh bộ tộc Sunni ở tỉnh Anbar - nơi Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng các thị trấn và thành phố - để phục vụ cho các lợi ích của chính phủ ở Baghdad  dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Haider al-Abadi người Shi’ite.
Nhà phân tích Krieg nhận định: “Đây là một vấn đề xã hội-chính trị. Điều quan trọng là chính phủ Abadi ở Baghdad cần phải cam kết chắc chắn và cụ thể với các bộ tộc Sunni  ở tỉnh Anbar rằng sau này họ sẽ được nhiều quyền tự trị hơn và rằng nếu họ chiến đấu cho một cái gì đó, thì chính là họ chiến đấu cho quyền tự trị của chính mình chứ không phải chiến đấu cho chính phủ ở Baghdad mà họ căm ghét”.
Theo ông, càng để lâu thì Nhà nước Hồi giáo càng trở nên mạnh hơn. Cách đây một năm, khi gây chấn động thế giới những với vụ chiếm đất thần tốc, Nhà nước Hồi giáo chưa thể sử dụng tất cả các loại vũ khí có trong tay. Hiện thời, phiến quân IS đã có một năm để huấn luyện và phát triển các kỹ năng, trong khi Liên minh chống Nhà nước Hồi giáo vẫn mắc kẹt trong “vòng luẩn quẩn”.
Minh Châu (TH)