Đó là nhận định của nhà khoa học chính trị Nga, Phó Giáo sư Grigory Lokshin trong bài viết đăng trên trang mạng Sputnik ngày 18/8/2016.
|
Nhà khoa học chính trị Nga, Phó Giáo sư Grigory Lokshin. Ảnh VTC |
Các đại diện ngoại giao cao cấp của Trung Quốc và các nước ASEAN đã tiến hành cuộc họp lần thứ 13 ở Mãn Châu Lý về việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Về sự kiện này, nhà khoa học chính trị Nga Grigory Lokshin nhận xét: "Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC)... chỉ là một tuyên bố không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Vì vậy, ngay từ đầu và cho đến nay, bản tuyên bố này không được đưa vào thực tế. Liên tục có bên này hay bên khác đưa ra các cáo buộc lẫn nhau không tuân thủ DOC. Ngay từ đầu, các nước ASEAN đã đề nghị thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) chứ không phải Tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC). Nhưng Trung Quốc không chấp nhận sáng kiến này. Bắc Kinh không muốn ký vào bất kỳ văn kiện có thể trói buộc Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Mọi người đều biết điều đó và bản thân Trung Quốc hầu như không giấu giếm thái độ của mình. Trong 12 cuộc họp trước đó kể từ năm 2013, các bên vẫn chưa đề cập đến bản chất vấn đề. Bây giờ có vẻ như đã đạt được một bước tiến".
Tại cuộc họp lần này, các nước ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý thiết lập một "đường dây nóng" dùng trong tình huống khẩn cấp liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Cũng như đóng góp tích cực vào việc thương lượng nội dung "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" để đạt thỏa thuận về Dự thảo khung COC vào giữa năm 2017.
Chuyên gia Grigory Lokshin lưu ý: “Cách đây mấy năm, Indonesia đã cung cấp dự thảo COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Các nước ASEAN đều tán thành văn kiện này, còn Trung Quốc vẫn chưa phê duyệt. Bởi vì Bắc Kinh muốn để vấn đề này được giải quyết theo phương thức song phương. Trong khi đó dự thảo COC quy định hai cách thức giải quyết trong tình huống khẩn cấp. Theo cách thức đầu tiên, các nước ASEAN và các đối tác đối thoại của họ tự giải quyết vấn đề phù hợp với Hiến chương của tổ chức. Nếu cách thức thứ nhất không mang lại kết quả thì phải sử dụng cách thức thứ hai: kháng cáo lên tòa án quốc tế, toà án trọng tài, lên Liên Hợp Quốc. Nếu Trung Quốc đồng ý với điều đó thì đây sẽ là một bước tiến lớn”.
Chuyên gia Nga nhận xét rằng "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" không phải là liều thuốc chữa bách bệnh, song văn kiện này sẽ củng cố sự tin cậy lẫn nhau và có thể đảm bảo một môi trường hòa bình để giải quyết các vấn đề trong khu vực Biển Đông.
Minh Châu (Theo Sputnik)