|
Ảnh minh họa.
|
Các cuộc thăm dò cho thấy điều gì? Uy tín của đảng Cộng hòa, Chủ tịch Hạ viện John Boehner và Tổng thống Barack Obama sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Không mấy ai nói về ảnh hưởng quốc tế của cuộc khủng hoảng này, trong khi nó có thể gây ra một cơn địa chấn rung chuyển thế giới.
Cộng đồng quốc tế cho rằng chính phủ Mỹ đang bị “rối loạn chức năng” hoặc thậm chí bị “tê liệt”. Người ta đang đặt câu hỏi liệu Washington có đáng tin cậy hay không, khi các đảng phái chính trị làm cho nước này bị tê liệt vào đúng thời điểm mà thế giới đang cần đến Mỹ. Các đối thủ của Mỹ có thể ngộ nhận rằng họ có thể hành động mà không cần nghĩ đến hậu quả vì cuối cùng nước Mỹ sẽ tự hủy diệt.
Những nhận thức kiểu này là cực kỳ nguy hiểm đối với nước Mỹ và phần còn lại của thế giới. Nó sẽ hạn chế ngăn chặn khả năng răn đe và làm suy yếu quan hệ đối tác-đồng minh của Mỹ, khi các nước đồng minh bắt đầu tự hỏi liệu Mỹ có còn đủ sức hậu thuẫn họ như trước hay không.
Từ lâu thế giới đã chỉ trích nước Mỹ “làm quá nhiều và làm quá ít”. Theo một nghiên cứu của Chatham House,
nhiều người Châu Âu cho rằng Mỹ đã “làm quá nhiều” ở Iraq và Afghanistan, nhưng lại “làm quá ít” ở Syria.
Các cuộc tranh luận về “nước Mỹ suy thoái” đã kéo dài trong nhiều năm qua, một phần lớn do tốc độ tăng trưởng giảm sút của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự phục hồi kinh tế gần đây, quan điểm “nước Mỹ suy thoái” đã bắt đầu dao động và sức mạnh đổi mới, tinh thần kinh doanh và công nghệ, cách mạng năng lượng… đã thuyết phục phần còn lại của thế giới rằng một lần nữa nước Mỹ dẫn đầu thế giới.
Trong những tuần gần đây, những lập luận về “nước Mỹ suy thoái” lại trỗi dậy mạnh mẽ do tình trạng bế tắc chính trị và “suy thoái” ở Washington.
Đầu tiên là câu chuyện Tổng thống Nga Putin cứu Tổng thống Mỹ Obama “một bàn thua trông thấy”, liên quan đến can thiệp quân sự vào Syria.
Sau đó là chính phủ Mỹ bị đóng cửa từng phần và tình trạng này đang bước vào tuần thứ hai. Và đối với khu vực tư nhân, nỗi sợ hãi đang ngày càng lớn lên vì từ nay đến ngày 17/10, nước Mỹ cần phải nâng được trần nợ công. Nếu không, nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tự lái xe lao xuống “vách đá tài chính” và… kéo theo cả phần còn lại của thế giới.
Nếp nghĩ về một nước Mỹ an toàn, ổn định và “luôn luôn thanh toán nợ đúng hạn”…đang bị đảo lộn. Những nước đang nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ đang thấp thỏm lo âu. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm suy yếu vị thế của đồng đô la Mỹ trên cương vị đồng tiền sự trữ thế giới sẽ được tăng cường. Các nhà đầu tư sẽ không còn được nước Mỹ “đảm bảo bằng vàng”.
Nhưng xem ra, tâm trạng bi quan nói trên là không thực tế. Các chiến dịch chống khủng bố hôm Chủ Nhật (6/10) ở Somalia và Libya cho thấy nước Mỹ sẽ hành động khi cần thiết.
Trong khi trái phiếu kho bạc có vẻ kém an toàn, kinh tế Mỹ vẫn còn mạnh hơn và đảm bảo hơn so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác trên thế giới. Những lợi ích của Mỹ là không thay đổi và tiềm lực của nước này vẫn còn cao hơn hẳn so với các quốc gia khác. Nghi vấn duy nhất là ý chí của Mỹ .
Thế giới sẽ tiếp tục đặt câu hỏi về quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ. Các đối thủ của Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục thách thức và “nắn gân” cường quốc số 1. Các nước đồng minh và bạn bè sẽ vẫn tiếp tục mất bình tĩnh trước cái gọi là đà “suy thoái” của nước Mỹ. Bế tắc chính trị đang khiến cho nước Mỹ khó hành động hơn và Washington sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tập hợp bạn bè chia sẻ gánh nặng.
Chỉ có điều sẽ là nguy hiểm, khi các đối thủ đánh giá thấp sức mạnh và khả năng hành động của nước Mỹ.
Lê Chân (theo CNN)