Nhật báo Le Monde nhận định, hiện tượng trên là một diễn biến khiến tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á phải lo ngại. Hầu như khắp nơi trong khu vực, tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang phát triển mạnh. Chính tư tưởng đó là nền tảng của phong trào thánh chiến được nuôi dưỡng bằng bạo lực.
|
Tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang phát triển mạnh ở một số nước Đông Nam Á. (Nguồn: BusinessMirror) |
Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước Đông Nam Á hồi tháng 6 vừa qua tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà đã khẳng định đà phát triển của Hồi giáo cực đoan đang là “mối đe dọa an ninh lớn nhất trong khu vực”.
Tại miền nam Philippines, quân đội nước này đang chật vật chiến đấu giành lại thành phố Marawi bị phiến quân có liên hệ trực tiếp với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ. Các nhóm phiến quân ở miền nam Philippines bây giờ được huấn luyện tốt, trang bị đầy đủ vũ khí và tập hợp đông đảo các tay súng đến từ nước ngoài.
Theo Le Monde, không chỉ có Philippines, mà khu vực Đông Nam Á đang có nguy cơ bị biến thành cứ địa của thánh chiến Hồi giáo cực đoan, giống như ở Raqqa (Syria) hay Mossul (Iraq).
Tờ báo Pháp viện dẫn trường hợp Indonesia, đất nước có 255 triệu dân và trong đó có 87% là người Hồi giáo. Ngay sau loạt vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, Indonesia cũng đã hứng chịu làn sóng khủng bố nhằm vào người phương Tây. Từ hàng thế kỷ nay, người Hồi giáo Indonesia vẫn sống khoan dung, hòa đồng với tập quán địa phương, với các tôn giáo khác. Thế nhưng, một vài năm gần đây người ta có thể nhận thấy xu hướng cực đoan hóa Hồi giáo đang trỗi dậy mạnh mẽ ở đất nước này, nhất là từ khi chính quyền cho phép thực thi giáo luật Sharia trong tỉnh Aceh.
Báo Le Monde kết luận: “Cần phải theo dõi sát sao hiện tượng này. Bởi vì châu Âu biết quá rõ rằng thánh chiến không có biên giới”.
Minh Châu (BT)