Liệu Tổng thống Philippines tiếp theo có “thân” Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Khi Philippines bước vào mùa bầu cử tổng thống, các nhà phân tích đua nhau dự đoán về những thay đổi tiềm tàng trong quỹ đạo chính trị-kinh tế của đất nước.

Theo nhà phân tích Richard Javad Heydarian -  Phó giáo sư  khoa học chính trị tại Đại học La Salle De và từng là cố vấn chính sách cho Hạ viện Philippines (2009-2015), trong những năm gần đây, đã có một sự gia tăng căng thẳng đáng kể trong quan hệ Philippines-Trung Quốc, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Philippines ở Biển Đông. Các vấn đề chính sách đối ngoại, đặc biệt là thái độ hung hăng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, sẽ là chủ đề tác động rất lớn đến chiến dịch vận động bầu cử tổng thống Philippines trong năm 2016.
Lieu Tong thong Philippines tiep theo co “than” Trung Quoc?
Ba ứng cử viên tổng thống Philippines hàng đầu. 
Nhà phân tích Richard Javad Heydarian cho rằng việc Tổng thống Philippines tiếp theo “tái khởi động” quan hệ song phương với Trung Quốc sẽ là rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.
Bối cảnh bất lợi
Một số nhà phân tích và chính phủ Trung Quốc thường đổ lỗi cho Tổng thống Aquino về sự xuống dốc đáng kể trong quan hệ song phương và viện dẫn "thời hoàng kim" của quan hệ Philippines-Trung Quốc dưới thời chính quyền Gloria Macapagal, vào giữa những năm 2000.
Nhưng sự chỉ trích này đã bỏ qua hai thực tế  quan trọng.
Thứ nhất, chính quyền Aquino (đặc biệt là trong những năm đầu tiên) từng muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc. Tổng thống Aquino đã gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh để thúc đẩy một kế hoạch lớn mở rộng thương mại song phương và đầu tư cũng như đối thoại có tính chất xây dựng về tranh chấp Biển Đông.
Thứ hai, và quan trọng hơn, chính quyền Aquino đã rất chật vật trước một Trung Quốc hung hăng quyết đoán trong việc theo đuổi tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, mà đỉnh cao là việc Trung Quốc “cướp trắng” bãi cạn Scarborough vào giữa năm 2012. Do không có sức mạnh quân sự cần thiết để giành lại bãi cạn này và không có sự hỗ trợ đầy đủ của Mỹ, chính quyền Aquino chỉ còn cách kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế.
Thực ra, chính quyền Aquino cũng có một số sai lầm trong việc bảo vệ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Nhưng cách tiếp cận đối đầu của chính quyền này chính là “một sản phẩm phụ” của chính sách “bắt nạt” và hành động xâm lấn trắng trợn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ba lý do khiến quan hệ Philippines-Trung Quốc khó cải thiện
Câu hỏi được đặt ra là: Liệu Tổng thống Philippines tiếp theo có thể  phục hồi quan hệ song phương Philippines-Trung Quốc?
Có ít nhất ba lý do để hoài nghi khả năng này.
Thứ nhất, "thời hoàng kim" ngắn ngủi của mối quan hệ song phương Philippines-Trung Quốc đã bị thay thế bằng tình trạng thù địch trên diện rộng và tâm trạng nghi ngờ đối với Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát năm 2015 của Social Weather Stations (SWS), có đến 45% dân số Philippines “ghét” Trung Quốc, còn nhiều hơn cả tỷ lệ 36% ngay sau khi Trung Quốc cướp quyền kiểm soát của Philippines đối với rạn san hô Đá Vành Khăn (Mischief Reef) vào năm 1994.
Một tỷ lệ đáng kể dân số Philippin và nhiều thể chế an ninh cho rằng chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Arroyo (2000-2010), một chính quyền bị coi là tham nhũng, đã “nhượng bộ” Trung Quốc quá nhiều. Chính quyền này đã ký thỏa thuận Khảo sát địa chấn biển chung (Joint Maritime Seismic Undertaking -JMSU) với Trung Quốc, trái với Hiến pháp và lợi ích quốc gia của Philippines.
Ngay sau khi ký kết Thỏa thuận JMSU, chính quyền Arroyo đã được Trung Quốc tài trợ nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn dẫn đến một trong những vụ bê bối tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Philippines.
Lieu Tong thong Philippines tiep theo co “than” Trung Quoc?-Hinh-2
 Khi ứng cử viên tổng thống Jejomar Binay công khai đề xuất khai thác  chung ở Biển Đông, ngay lập tức ông này đã hứng chịu “một cơn bão lửa” của những lời chỉ trích.
Khi ứng cử viên tổng thống Jejomar Binay công khai đề xuất khai thác  chung ở Biển Đông, ngay lập tức ông này đã hứng chịu “một cơn bão lửa” của những lời chỉ trích. Hiện thời, không một ứng cử viên tổng thống Philippines hàng đầu nào (Thượng nghị sĩ Grace Poe, Bộ trưởng Nội vụ Mar Roxas) dám đưa ra một đề xuất tương tự có lẽ vì sợ vấp phải phản ứng dữ dội về chính trị.
Thứ hai, Philippines đang phải chật vật đối phó với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Biển Đông, khi Tung Quốc thiết lập các căn cứ “lưỡng dụng” (cả quân sự lẫn dân dụng) và các  đường băng trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Người Philippines lo ngại rằng một ngày nào đó, Trung Quốc cũng sẽ thiết lập căn cứ quân sự ở bãi cạn Scarborough (Scarborough Shoal)  và cắt đứt tuyến đường tiếp tế của Philippines trong vùng biển tranh chấp.
Không có gì đáng ngạc nhiên, Manila đã đổi tên Biển Đông thành  "Biển Tây Philippines". Biển Đông đã trở thành một vấn đề tranh luận sôi nổi trong giới truyền thông và nhân dân Philippines.
Với tinh thần dân tộc chủ nghĩa đang dân cao  ở Philippines, Tổng thống kế nhiệm ông Aquino sẽ phải thận trọng hơn trong việc xử lý các vấn đề dễ phát sinh dư luận và sẽ không có nhiều đất hoạt động trong những vấn đề này.
Cuối cùng, chính quyền Aquino đã tiến hành nâng cấp đáng kể quan hệ an ninh song phương với các đồng minh chủ chốt là Mỹ và Nhật Bản. Hai quốc gia này cũng là những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Philippines. Hai nước này vốn kịch liệt phản đối hành động quyết đoán, biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc. Điều này cũng khiến cho Tổng thống Philippines tiếp theo khó có thể thay đổi chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm.
Nói tóm lại, có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Philippines kế nhiệm ông Aquino sẽ thận trọng hơn trong khâu sử dụng ngôn từ  và có thể sẽ cố gắng tận dụng kết quả phân xử thuận lợi của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) để giành được một số nhượng bộ của Bắc Kinh để cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc.

Minh Châu (Theo The National Interest)