"Mảng tối" đằng sau cuộc chiến giành lại Mosul

Google News

Khói đen bao phủ cuộc chiến giành lại Mosul không thể che đậy được sự chia rẽ vì những lợi ích khác nhau của các bên liên quan tham gia chiến dịch.

Cuộc chiến giành lại Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, từ những kẻ khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bước sang tuần thứ hai, và có thể mất thêm vài tuần nữa trước khi lực lượng liên quân chống IS có thể tuyên bố chiến thắng quyết định và giành quyền kiểm soát toàn bộ thành phố và những khu vực xung quanh.
Khói đen bao phủ cuộc chiến giành lại Mosul không thể che đậy được sự chia rẽ vì những lợi ích khác nhau của các bên liên quan.  Ảnh Reuters 
Tuy nhiên, khói đen bao phủ cuộc chiến đã không thể che đậy được sự chia rẽ vì những lợi ích khác nhau, vốn được phản ánh trong một liên quân gắn kết bởi kẻ thù chung là IS (Daesh), và trong thực tế, là biểu hiện của 3 cuộc chiến đồng thời.
Thứ nhất, cuộc chiến chống IS đã tập hợp hàng loạt lực lượng khác nhau, từ quân đội Iraq, dân quân tự vệ, người Kurd, cố vấn quân sự Iran, quân đội Mỹ và sự can thiệp ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ chính phủ Iraq, với mục đích được tuyên bố là nhằm khôi phục quyền kiểm soát của Baghdad đối với Mosul và do đó đạt được bước tiến đáng kể về mặt chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia bị chia cắt này.
Thứ hai, đó là “cuộc chiến trong trận chiến” đối với các bên liên quan chính trong chiến trường xung đột này, sự cạnh tranh với nhau về các vùng ảnh hưởng, bao gồm cả người Kurd - được Mỹ hậu thuẫn, vốn có lợi ích hầu như không đồng nhất với lợi ích của chính quyền trung ương ở Baghdad. Về phần mình, Mỹ rõ ràng là đang tìm cách nổi lên trong cuộc chiến Mosul với mong muốn có vai trò ảnh hưởng lớn hơn ở Iraq (cũng như nước láng giềng Syria) - điều này có thể giải thích bằng sự xuất hiện đột ngột của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ở Iraq tuần trước, củng cố vai trò quân sự trực tiếp của Mỹ trong cuộc chiến ở Mosul và, đồng thời đưa ra một tuyên bố ủng hộ đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ (mà Baghdad không mong muốn) để tham gia ngày càng tăng trong trận chiến này.
Thứ ba, mục tiêu của Mỹ một phần nhằm vào Nga, tìm cách đối trọng với sự thống trị của Moskva tại Syria. Do đó, Washington đã áp dụng chính sách ủng hộ người Kurd, nhưng điều này lại xung đột với lợi ích an ninh quốc gia của Ankara. Chính sách chống người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm ngăn chặn trước sự thống nhất của người Kurd xuyên biên giới, ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq. Đó là lý do tại sao Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã chọn cách “xâm nhập dần dần” vào cả Syria và Iraq. Thời gian xâm nhập của Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian diễn ra các cuộc chiến đồng thời ở Syria và Iraq.
Việc Mỹ ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến trên không có nghĩa là hai nước đang có quan điểm chung về tất cả mọi vấn đề và chắc chắn là “cuộc chiến trong trận chiến” khác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd có một logic độc lập của riêng nó vốn cho thấy một thực tế rất phức tạp. Như Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã nhiều lần nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiến đấu để bảo vệ lợi ích riêng của mình và mở rộng phạm vi ảnh hưởng, trong một trò chơi “tổng bằng không” với đối thủ người Kurd của họ, những người đang tìm cách thành lập một chính phủ tự trị dọc theo biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi tìm cách ngăn chặn kế hoạch trên của người Kurd và để ngăn ngừa sự kết nối giữa người Kurd ở Syria và Iraq với lý do giải phóng Mosul, Thổ Nhĩ Kỳ thông qua những hành động quân sự của mình đã thực sự đóng vai trò như một nhân tố kết nối giữa các lực lượng người Kurd, trong đó có 5 đảng phái chính trị ở khu vực người Kurd của Iraq. Đó là, Liên minh người Kurd Yêu nước, Phong trào vì Thay đổi, Đảng Hồi giáo Iraq, Liên minh Đoàn kết Iraq và Đảng Cộng sản người Kurd. Các nhóm này đã ra một tuyên bố chung lên án sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq là vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này. Ngoài ra, sự hiện diện lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Với những gì đã trình bày ở trên, chắc chắn rằng cuộc chiến chống IS ở Mosul sẽ diễn ra ác liệt và có thể ảnh hưởng đến số phận cuối cùng của Mosul, ví dụ, nó có thể biến thành một thành phố bị chia cắt mới tương tự như Aleppo hiện nay. Với Mỹ - vốn bị nghi ngờ rất lớn ở Iraq, đặc biệt là lực lượng dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn, đã cáo buộc Mỹ “xuất khẩu” những chiến binh IS tới các khu vực khác, trong đó có có các khu vực của Afghanistan, một cáo buộc được lặp lại bởi một số chỉ huy quân sự hàng đầu của Afghanistan – vừa muốn duy trì một bộ mặt hợp pháp vừa muốn cân bằng lợi ích cho các đối tác đối địch của mình, chẳng hạn như chính phủ Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, là nhiệm vụ không hề dễ dàng, và trong thực tế, rất phức tạp, đầy rủi ro và bất trắc.
Tuy nhiên, trong thời điểm này, câu hỏi lớn nhất là liệu IS có thể bị đánh bật ra khỏi Mosul sớm nhất vào thời điểm nào và tổn thất về mặt con người là gì? Trong trường hợp đó, cái giá của chiến thắng trong ngắn hạn có thể bị lấn át bởi một loạt các vấn đề dài hạn khác bao gồm việc bùng lên sự bất mãn và mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố. Tóm lại, trận chiến giành lại Mosul rõ ràng là một đề xuất mạo hiểm vốn đầy rẫy những mối nguy hiểm tiềm tàng trên tất cả các mặt trận, nhưng là điều mà người Iraq phải chiến thắng để giành lại lãnh thổ từ tai họa của chủ nghĩa khủng bố.

Công Thuận/Báo Tin Tức