Chủ tịch Tập Cận Bình thăm chính thức ba nước Trung Đông gồm Ả-rập Xê-út, Ai Cập và Iran, bắt đầu từ ngày 19/1.
|
Tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Ả-rập Xê-út.
|
Đây là lần đầu tiên trong vòng 14 năm, một
Chủ tịch Trung Quốc đến thăm Iran và là lần đầu tiên trong vòng 12 năm đến thăm Ai Cập. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mục đích chính của chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.
Theo kế hoạch, ông Tập Cận Bình sẽ thảo luận với lãnh đạo ba nước nói trên về các biện pháp tăng cường quan hệ hữu nghị song phương, thực hiện kết nối chiến lược phát triển, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiện lợi hóa thương mại đầu tư, hàng không vũ trụ và các lĩnh vực khác:
Trước thềm chuyến công du Trung Đông của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc lần đầu tiên công bố “Văn kiện chính sách của Trung Quốc đối với các nước Ả-rập”, trong đó đưa ra cơ chế hợp tác “1+2+3” xác định hợp tác năng lượng là trục chính, xây dựng cơ sở hạ tầng và tiện lợi hóa đầu tư thương mại là hai cánh, còn hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân, hàng không vũ trụ và năng lượng mới là ba khâu đột phá.
Về chuyến thăm Iran của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chuyên gia Hamidreza Azizi từ Trung tâm nghiên cứu Á-Âu thuộc trường Đại học Tehran và là chủ biên của trang tin Tabnak nói với đài Sputnik:
"Chuyến thăm Iran của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa rất quan trọng bởi vì hiện nay nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đang bước vào một giai đoạn mới. Trong khoảng thời gian trước lệnh cấm vận, Trung Quốc đã tỏ ra ý muốn tiếp cận thị trường Iran: cả thị trường thương mại và đầu tư. Nhưng, do lệnh trừng phạt kinh tế, các nhà đầu tư buộc phải rời khỏi một số dự án. Bây giờ không có rào cản nào, và các nhà đầu tư có thể trở lại thị trường Iran. Hơn nữa, nếu so sánh với các nước khác mới bắt đầu chú ý đến Iran, thì Trung Quốc có lợi thế do thực tế rằng trong mấy thập kỷ qua, Trung Quốc luôn hoạt động trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau trong quan hệ với các đối tác Iran, cả trước và sau lệnh trừng phạt. Đặc biệt trong quan hệ liên ngân hàng. Bây giờ, sau khi dỡ bỏ lệnh trừng phạt, Iran có quyền truy cập hệ thống liên ngân hàng quốc tế SWIFT. Chắc là Trung Quốc sẽ thể hiện sự quan tâm đến những dự án đầu tư liên quan đến sự phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước. Và năng lượng cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất. Tất nhiên, trong thời gian chuyến thăm Iran của ông Tập Cận Bình hai bên sẽ thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực này. Đối với Trung Quốc, điều quan trọng ở giai đoạn này là đảm bảo sự ổn định kinh tế và đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng. Sự đối tác với Iran trong lĩnh vực này có thể mang lại những lợi ích rõ rệt. Đặc biệt là trước đây Trung Quốc đã mua năng lượng từ Iran. Mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực này có thể được mở rộng và mang lại kết quả lớn hơn cho cả hai bên".
Chuyên gia Hamidreza Azizi cũng nói về vai trò trung gian của Trung Quốc trong quá trình hòa giải giữa Tehran và Riyadh. Ông nói trong thời gian chuyến công du các nước Trung Đông hiện nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến cả Saudi Arabia và Iran. Điều đó có thể mang tính biểu tượng. Trung Quốc đã nhiều lần nói rõ lập trường về các vấn đề khu vực Trung Đông. Đối với Bắc Kinh, điều quan trọng nhất là ổn định và an ninh trong khu vực cũng như giải quyết các cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Minh Châu (TH)