Ông Sharif Elhosseiny đang trên đường đến buổi cầu nguyện vào sáng 4/12 tại nhà thờ Hồi giáo Palm Beach, Florida, Mỹ thì nhận được một cú điện thoại bất ngờ. Cú điện thoại thông báo nhà thờ đã bị phá hoại, nhiều cửa sổ bị đập vỡ và đồ đạc bị đạp đổ. Cảnh sát đang trên đường đến hiện trường để kiểm tra vụ việc, IBT đưa tin.
“Chúng tôi cảm thấy bị tổn thương bởi chính chúng tôi cũng là những người đã lên án chủ nghĩa khủng bố”, IBT dẫn lời ông Elhosseiny, người đứng đầu nhà thờ Hồi giáo Palm Beach cho biết.
|
Người Hồi Giáo tại Mỹ rồi sẽ ra sao? (Ảnh: AP). |
Ông Elhosseiny nói thêm: “Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để có thể chứng minh với cộng đồng rằng đạo Hồi không phải là nguyên nhân gây ra những vụ khủng bố”.
“Chúng tôi rất buồn. Chúng tôi hiểu những gì mọi người nhìn thấy trên truyền hình đã gây ra ấn tượng rằng người Hồi giáo là không tốt. Nhưng đó chỉ là thiểu số, không đại diện cho những người còn lại ở trong cộng đồng này. Những người Hồi giáo ở khắp mọi nơi đang cảm thấy hết sức lo lắng”, ông Elhosseiny nhấn mạnh.
Người Hồi giáo ở Mỹ đối mặt với làn sóng tẩy chay
Vụ việc đập phá nhà thờ Hồi giáo Palm Beach ở Florida chỉ là một trong nhiều hành động tiêu cực của những người có tư tưởng tẩy chay đạo Hồi trong thời gian gần đây.
Xu hướng tẩy chay càng trở nên rõ nét hơn sau vụ xả súng tại một trung tâm hỗ trợ người khuyết tật ở California hôm 2/12, cướp đi sinh mạng của 14 người.
Hai nghi phạm của vụ xả súng nói trên, Syed Rizwan Farook và Tashfeen Malik được cho là đã bị cực đoan hóa từ lâu, theo thông tin từ FBI. Thậm chí, nghi phạm Tashfeen Malik còn từng lên mạng cam kết trung thành với tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
|
Tashfeen Malik và chồng Syed Rizwan Farook là hai nghi phạm gây ra xả súng hôm 2/12. Ảnh: California Department of Motor Vehicles. |
Trước đó, ngày 3/12, một nhà thờ Hồi giáo ở Manassas, bang Virginia cũng nhận được một cuộc gọi đe dọa. Người đe dọa cho biết anh ta thuộc tổ chức Liên đoàn Bảo vệ người Do Thái.
Người này nói: “Nếu vụ xả súng ở California đã giết chết người Do Thái, tất cả các ngươi sẽ phải cảm thấy hối hận về điều này. Tất cả các người đều sẽ bị giết”.
Giám đốc bộ phận Truyền thông của Hội đồng người Mỹ - người Hồi giáo, ông Ibraham Hooper cho IBT biết, trong những ngày gần đây, Hội đồng đã nhận được hàng loạt báo cáo về các vụ hăm dọa, đe dọa và bạo lực nhằm vào người Hồi giáo ở Mỹ.
Ở San Diego, một người đã cố tình chen lấn, xô đẩy một người phụ nữ đang mang bầu và mặc áo hijab. Ở Meriden, Connecticut, một nhà thờ Hồi giáo bị tấn công bằng súng. Ở trường Đại học Cincinnati, một sinh viên Hồi giáo tố cáo rằng có người gọi cô là “khủng bố”.
Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ - tỷ phú Donald Trump, mới đây bị chỉ trích khi ông này tuyên bố sẵn sàng đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo và cho rằng cần lập một cơ sở dữ liệu về tất cả người Hồi giáo.
|
Tỷ phú Donald Trump kêu gọi “cấm cửa” việc nhập cảnh đối với người Hồi giáo nhập cư. Ảnh: AP. |
Tỷ phú người Mỹ cũng kêu gọi “cấm cửa” việc nhập cảnh đối với người Hồi giáo muốn vào Mỹ, kể cả các công dân Mỹ Hồi giáo. Ông Trump cho rằng chừng nào nước Mỹ chưa hiểu được điều này thì Mỹ còn là nạn nhân của các cuộc tấn công khủng khiếp do những kẻ thánh chiến cực đoan tiến hành.
Ý kiến cấm cửa nhập cảnh đối với người Hồi giáo tị nạn của tỷ phú Trump được nhiều chính trị gia nước Mỹ đồng tình. Các chính trị gia này cho rằng cách tốt nhất để tránh những kẻ khủng bố là phải đóng cửa.
"Tôi lo lắng sẽ có những phản ứng bạo lực sau vụ xả súng ở California. Đây hẳn là khoảng thời gian đáng sợ đối với người Hồi giáo", Saher Selod, một trợ giảng tại Đại học Simmons nhận định.
Càng tẩy chay càng dễ bị khủng bố
Trong một bài viết đăng tải trên tờ Washington Post, nhà tâm lý học Sarah Lyons-Padilla đến từ trường Đại học Stanford, Mỹ cho biết bà cùng với các cộng sự đã tiến hành một cuộc khảo sát với hàng trăm người Hồi giáo ở Mỹ và Đức.
Cuộc khảo sát cho thấy, xu hướng cực đoan ở những người theo đạo Hồi là rất thấp, đại đa số người Hồi giáo không có quan điểm cực đoan.
|
Chúng tôi là người Hồi giáo Mỹ. Chúng tôi yêu đất nước của chúng tôi. (ảnh: jafrianews.com). |
Tuy nhiên, cũng có một số người Hồi giáo cảm thấy hoang mang khi họ không thể chia sẻ giá trị của mình với dòng đạo Hồi truyền thống mà họ đang theo đuổi, nhưng cũng không thể hòa nhập được với đất nước mà họ đến tị nạn.
“Chúng tôi thường mô tả những người này là những người "vô gia cư văn hóa"…Họ nói rằng họ bị giằng xé giữa hai nền văn hóa khác nhau cũng như cảm thấy cuộc sống của mình trở nên mất phương hướng, vô nghĩa và vô vọng…. Khi mà niềm tin về cuộc sống của một người nào đấy bị đe dọa, họ sẽ càng tiến gần đến chủ nghĩa cực đoan hơn”, nhà tâm lý học Sarah Lyons-Padilla viết.
Đối với những người từng trải qua cảm giác tổn thương - ví dụ như bị làm nhục hoặc bị thiếu tôn trọng - thường họ sẽ tìm đến một con đường khác để tạo ra ý nghĩa trong cuộc sống của họ, và họ cũng có thể “lạc đường”.
Những kẻ cực đoan rất biết cách khai thác điểm yếu này, chúng nhắm vào những người Hồi giáo có nhận thức thấp hoặc cảm thấy bị đe dọa. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan sẽ mang lại cho những người “vô gia cư văn hóa” cảm giác được bảo vệ, được chỉ lối đến một cuộc sống có mục đích tốt đẹp hơn…
Nhà tâm lý học Sarah Lyons-Padilla nhấn mạnh, với những người “vô gia cư văn hóa”, càng phân biệt đối xử họ càng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Chống nhập cư hay các biện pháp khác đối với người Hồi giáo là phản tác dụng.
Chống di dân sẽ càng làm chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy chứ không phải là đè bẹp nó. Nói cách khác, chính sách “đóng cửa” của Mỹ và một vài nước phương Tây nhằm chống khủng bố nhưng thực chất có thể gây ra khủng bố theo cách này.
Không “cấm cửa” người nhập cư Hồi giáo
Trong bài viết của mình, nhà tâm lý học Sarah Lyons-Padilla đề xuất giải pháp, để giảm nguy cơ cực đoan hóa ở châu Âu và nước Mỹ, cần phải giúp đỡ người nhập cư Hồi giáo có thể hội nhập được tốt hơn, đừng cô lập họ.
Điều này có nghĩa là những người tị nạn Syria phải được chào đón, chứ không phải “đóng cửa” với những người này. Việc chào đón người nhập cư Hồi giáo thể hiện sự quan tâm và tôn trọng nền văn hóa, tôn giáo khác chứ không phải sợ hãi trước những người này.
|
Việc chào đón người nhập cư Hồi giáo thể hiện sự quan tâm và tôn trọng nền văn hóa, tôn giáo khác. (ảnh: KT). |
Theo khảo sát của bà Sarah Lyons-Padilla, hầu hết người Hồi giáo ở Mỹ và Đức cũng có mong muốn có thể hòa hợp được hai nền văn hóa của họ: văn hóa truyền thống và văn hóa ngay tại đất nước họ đang sinh sống.
Tuy nhiên, rất khó để làm được điều này nếu đặt áp lực lên chính người Hồi giáo và bắt họ phải lựa chọn một trong hai. Hội nhập khác với sự đồng hóa.
"Điều này có nghĩa là một mặt chúng ta khuyến khích người nhập cư ý thức được rằng mình là người Mỹ, người Đức hay người châu Âu, mặt khác chúng ta cũng cần giữ cho họ niềm tự hào về văn hóa và tôn giáo truyền thống của họ", bà Sarah Lyons-Padilla cho biết.
Bà Sarah lấy ví dụ như chính sách “cấm mặc burqa” (loại quần áo che kín mặt của phụ nữ Hồi giáo) tại nước Pháp là không cần thiết, bởi vì chính sách như vậy là thiếu tôn trọng truyền thống của họ.
Mới đây, Reuters cũng đã mở cuộc thăm dò về cách mà người Mỹ nhìn nhận đối với cộng đồng người Hồi giáo sau vụ xả súng San Bernardino, California và thu được về kết quả khá bất ngờ.
Có tới 51% người dân nước Mỹ cho rằng người Hồi giáo cũng bình đẳng như những người dân bình thường khác, và chỉ có 14.6% người Mỹ tỏ ra lo sợ và muốn bài trừ người Hồi giáo.
|
Phần lớn người dân nước Mỹ không hề ghét bỏ người Hồi giáo. (Ảnh: KT). |
Với kết quả bỏ phiếu giữa các Đảng phái chính trị cho thấy: 60% trong số những người thuộc Đảng dân chủ không có bất cứ ý kiến gì về người Hồi Giáo, và con số này ở Đảng cộng hòa chỉ 30%.