Mưu đồ “hiến pháp” của cựu Thủ tướng Nhật Aso

Google News

(Kiến Thức) - Cựu Thủ tướng Taro Aso đề xuất Nhật Bản nên nghiên cứu kinh nghiệm của Đức trong việc thay đổi Hiến pháp Weimar vào đầu những năm 1930.

Cựu Thủ tướng Taro Aso kêu gọi Nhật Bản âm thầm sửa đổi Hiến pháp.
Hôm Thứ Hai (29/7), cựu Thủ tướng Taro Aso nói rằng “Hiến pháp Weimar của Đức đã thay đổi không đáng kể. Và không ai nhận thấy những thay đổi này. Có lẽ là nên học hỏi kinh nghiệm của họ”. Ông nhấn mạnh rằng mục tiêu của việc thay đổi Hiến pháp là sự ổn định của nhà nước và phải tính đến tình hình bên ngoài và dư luận xã hội.
Dù sao đi chăng nữa, tuyên bố của cựu Thủ tướng Taro Aso cũng đã gây khuấy động các nước châu Á. Việc xét lại Hiến pháp Weimar của Đức quốc xã đồng nghĩa với việc từ bỏ những hạn chế đã được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất về qui mô của Các lực lượng vũ trang Đức. Kết quả là Đức quốc xã đã có thể nhanh chóng khôi phục sức mạnh quân sự trong thời gian cực ngắn. Sau đó, với sự đồng ý ngầm của Vương quốc Anh và Pháp, nước này bắt đầu xâm lược Áo và Tiệp Khắc, sau đó chiếm đóng Ba Lan, mở màn cho Chiến tranh thế giới thứ II. Rõ ràng là Trung Quốc và Hàn Quốc lo sợ rằng việc xét lại hiến pháp "hòa bình" của Nhật Bản và cải cách các lực lượng vũ trang sẽ tạo điều kiện cho việc tăng cường nhanh chóng tiềm lực quân sự của Nhật Bản.
Chuyên gia Nga nổi tiếng về Nhật Bản, ông Victor Pavlyatenko, nhận định: “Dựa vào kết quả bầu cử, có thể thấy xã hội Nhật Bản chia làm hai nhóm chính – nhóm những người ủng hộ ý tưởng của Thủ tướng Shinzo Abe vào việc sửa đổi Hiến pháp và nhóm những người phản đối việc này. Theo cuộc thăm dò của nhật báo Mainichi, nhóm thứ hai chiếm 51%. Điển hình là việc ông Abe bây giờ đã bớt mạnh mẽ hơn trước trong việc kêu gọi sửa đổi Hiến pháp. Có lẽ ai đó trong vòng thân cận của ông đã nhắc nhở ông rằng không nên làm tình hình trầm trọng thêm, vì điều đó không chỉ làm tổn hại cho Nhật Bản mà còn làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.
Theo chuyên gia Pavlyatenko, nhiều điều phụ thuộc vào việc chính sách kinh tế Abenomics sẽ được thực hiện như thế nào. Nếu xuất hiện trục trặc trong chương trình kinh tế Abenomics, việc điều chỉnh sẽ được tìm kiếm trong chính sách đối ngoại và trong các bước mà ông Shinzo Abe đã vạch ra ngay trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của mình - thay đổi Hiến pháp, chuyển đổi lực lượng phòng vệ Nhật Bản thành lực lượng quân đội đầy đủ và những biện pháp khác.
Tuy nhiên, trên con đường xây dựng sức mạnh quân sự của Nhật Bản còn có một trở ngại lớn và đó là Mỹ. Tuy là đồng minh quân sự-chính trị của Nhật Bản, Mỹ không muốn Tokyo châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực Đông Á hay Nhật Bản lại trở thành một cường quốc quân sự một lần nữa.
Văn Bình (theo VOR)