Mỹ cảnh báo về tranh chấp hàng hải ở Châu Á

Google News

(Kiến Thức) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cảnh báo về tình trạng ngày càng có nhiều sự cố hàng hải và căng thẳng tại vùng biển tranh chấp ở Châu Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, tình trạng này làm tăng nguy cơ đối đầu, xung đột quốc tế nguy hiểm tại các vùng biển tranh chấp ở Châu Á.
Ông Hagel Brunei bận rộn họp hành với các đồng nhiệm Châu Á tại Brunei trong chuyến công du khu vực ngay cả khi Mỹ đang gấp rút chuẩn bị đánh Syria – trả đũa vụ tấn công hóa học ở ngoại ô Damascus hôm 21/8 mà phương Tây cáo buộc do chế độ Assad gây ra.
Trung Quốc đang phải đối mặt với ngày càng nhiều cáo buộc về việc thực thi chiến thuật bắt nạt trong việc tuyên bố và khẳng định chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuyên bố của Trung Quốc vô lý và ngang ngược, vi phạm tuyên bố chủ quyền của một số quốc gia Đông Nam Á khiến các nước láng giềng bất bình.
Ở khu vực khác, Tokyo và Bắc Kinh vẫn tiếp tục chơi trò “mèo vờn chuột” trên Biển Hoa Đông khi 2 nước này vướng vào tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Một động thái gần đây nhất rơi vào đầu tuần này khi Nhật Bản điều động chiến đấu cơ đuổi máy bay chính phủ Trung Quốc tiếp cận không phận Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đưa ra một cảnh báo về những căng thẳng âm ỉ tại các cuộc đàm phán của các Bộ trưởng quốc phòng thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Australia và New Zealand .
"Các động thái khiêu khích trên biển nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền không làm mạnh thêm cơ sở pháp lý của bất kỳ bên nào. Thay vào đó, các hành động này làm tăng nguy cơ đối đầu, xung đột, phá hoại sự ổn định trong khu vực và hủy hoại các triển vọng ngoại giao", ông Hagel nhấn mạnh.
" Tất cả các quốc gia đang lo ngại về việc theo đuổi quyết liệt hơn các tuyên bố chủ quyền có thể kích động xung đột", bình luận về cuộc họp bộ trưởng, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết.
Một số bộ trưởng của khối ASEAN đề xuất các biện pháp thực tế để ngăn chặn xung đột, bao gồm cả việc thiết lập một đường dây nóng giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc, các biện pháp để tránh va chạm, đối đầu và một thỏa thuận về quy tắc "không lựa chọn sử dụng lực lượng quân sự đầu tiên", các quan chức Mỹ cho biết .
Tuy nhiên, các nỗ lực ngoại giao chính hiện vẫn tập trung vào việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Mỹ mạnh mẽ ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử này nhưng Trung Quốc lại tỏ ra ít nhiệt tình, mặc dù hứa hẹn sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với các nước ASEAN trong năm nay về vấn đề này.
Trong suốt chuyến công du Đông Nam Á kéo dài một tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel nhấn mạnh, bất đồng lãnh thổ cần được giải quyết hòa bình, không được có dấu hiệu của “bắt nạt và ép buộc” – ám chỉ các động thái bị chỉ trích của Trung Quốc trên biển.
Ngoài vấn đề an ninh và tranh chấp lãnh thổ trong khu vực châu Á, cuộc khủng hoảng Syria cũng được đưa ra thảo luận tại cuộc họp giữa ông Hagel và các đồng nhiệm châu Á. Tuy nhiên, đây không được xem là vấn đề trọng tâm.
Bạch Dương (Channelnewsasia)