Tổng thống Obama ngày 16/10 chỉ dành có 3 phút để ca ngợi thỏa hiệp đạt được tại Quốc hội Mỹ. Sau khi ông nói xong, một phóng viên hỏi ông: “Thưa Ngài Tổng thống, liệu điều này sẽ xảy ra lần nữa trong một vài tháng tới?”. Đang trên đường đi ra cửa, Tổng thống Obama quay lại và trả lời dứt khoát: “Không”.
Câu trả lời trên xem ra quá lạc quan, khi khủng hoảng chính trị đã biến thành khủng hoảng hệ thống.
Nền dân chủ 237 tuổi của Mỹ đang đến gần giới hạn của nó. Cơ cấu chính trị của nền dân chủ này không được thiết kế để đối phó với sự phong tỏa kéo dài và hành động tống tiền. Thế nhưng, phong tỏa và tống tiền lại chính là công cụ mà những người ủng hộ Đảng Trà (Tea Party) sử dụng gần bốn năm qua. Những người sáng lập ra nước Mỹ đã đề ra một hệ thống kiểm tra và cân bằng, chứ không phải là một hệ thống kiểm tra và tẩy chay.
Không có nền dân chủ phương Tây khác lại dành nhiều quyền cho phe thiểu số như ở nước Mỹ, nơi mà một thượng nghị sĩ duy nhất có thể làm trì hoãn việc thông qua dự luật.
Nền dân chủ không có tính đại diện
Tại Đức, chính phủ được xây dựng từ đa số trong quốc hội. Ở Mỹ, tổng thống và các đồng minh của ông trong Quốc hội cần nhận được đa số ủng hộ cho mỗi luật mới. Nhưng trong một thời gian dài, Tổng thống Obama hầu như không thể tìm thấy bất kỳ đa số ủng hộ nào: từ cải cách nhập cư, luật kiểm soát súng mới và mới đây là ngân sách liên bang.
Gần 50 nghị sĩ dân túy cánh hữu, do Thượng nghị sĩ Ted Cruz cầm đầu, đã đẩy đảng Cộng hòa vào một chuyến bay liều chết. Tại sao các nghị sĩ Cộng hòa khác lại cho phép họ làm điều này? Đó là do họ sợ sự thách thức của các phần tử cấp tiến trong đảng ở các địa phương.
Trong khi đó, đảng Dân chủ hầu như không phải là một mối đe dọa thực sự bởi vì trong những năm qua, các khu vực bầu cử đã được phân định gần như luôn luôn rõ ràng: hoặc ủng hộ đảng Cộng hòa hoặc ủng hộ đảng Dân chủ. Kết quả là nước Mỹ mất đi tính chất đại diện của một nền dân chủ đại diện. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2012, đảng Dân chủ hơn đảng Cộng hòa tới 1,17 triệu phiếu, nhưng đảng Cộng hòa có 33 ghế nhiều hơn trong Hạ viện.
Tranh luận chính trị biến thành cuộc chiến
Trong trận đấu về nâng trần nợ công vừa qua, những cái đầu nóng của Đảng Trà đã gọi các đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa sẵn sàng nói chuyện với đảng Dân chủ là “những kẻ đầu hàng”.
Các cuộc tranh luận chính trị ở Washington từ lâu đã trở thành một cuộc chiến gây ra những vết thương tồi tệ nhất. Đối phương không còn được tôn trọng mà bị tấn công như kẻ thù, thỏa hiệp bị coi là một dấu hiệu của sự yếu đuối và nói dối chỉ là một hình thức của thực tại.
Thêm vào đó, số tiền đóng góp chi cho các chiến dịch vận động bầu cử hầu như không có giới hạn, trong đó có số tiền tài trợ cho việc vu khống ngày càng tàn bạo trong cuộc bầu cử quốc hội hai năm một lần. Đằng sau những khoản đóng góp to lớn này là các nhóm cấp tiến hoặc các nhà tỷ phú như anh em David và Charles Koch – những người đã tài trợ cho Đảng Trà và được cho là đã giúp lên kế hoạch cũng như chỉ đạo cuộc khủng hoảng gần đây nhất.
Đồng thời, nước Mỹ đang trải qua những thay đổi về nhân khẩu học rất lớn và điều này đã thể hiện rõ ràng trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama. Đa số da trắng đang dần dần biến thành thiểu số. Sự nổi lên của Đảng Trà là nhằm chống lại xu thế thay đổi này, chống Tổng thống Obama và chính phủ của ông.
Trong cuộc khủng hoảng trần nợ công gần đây, những người thuộc Đảng Trà cũng tỏ ra không hiểu hoặc không muốn hiểu về những hậu quả khủng khiếp của việc vỡ nợ đối với nước Mỹ và thế giới. Dân biểu Cộng hòa Ted Yoho nói rằng việc nước Mỹ phải cơ cấu nợ không phải là điều xấu mà còn “mang lại sự ổn định cho thị trường thế giới”.
Lần này, nước Mỹ đã tránh được “trong gang tấc” cái việc phải thử nghiệm cái lý thuyết điên rồ như vậy. Nhưng khi hệ thống bị khập khiễng, cuộc khủng hoảng tiếp theo ở nước Mỹ đã hiển hiện với thời hạn chót là ngày 15/1/2014, khi dự luật mà hai phe chuẩn thuận ngày 16/10 mãn hạn.
Lê Chân (theo Spiegel.de)