Theo nhà báo Justin Raimondo - giám đốc biên tập của Antiwar.com, các nước như Libya, Syria, Iraq và Kosovo đã trở thành những “biểu tượng gây tranh cãi” cho hoạt động "thay đổi chế độ" và “tàn phá thành công” của Washington.
|
Tổng thống Mỹ George W.Bush bày tỏ tình đoàn kết với các nhà lãnh đạo Kosovo.
|
Trong bài viết đăng trên Antiwar.com, nhà báo Raimondo nhận định: "Hơn 20 năm sau khi Mỹ 'giải phóng' Kosovo và tách tỉnh này khỏi Nam Tư cũ, nhà nước Kosovo vẫn là một mớ hỗn độn với tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Tình trạng
tội phạm đã trở thành
đại dịch và một phong trào dân tộc cực đoan Vetevendosje đang trên đà thăng tiến. Vetevendosje muốn đạt được ước mơ của Quân đội Giải phóng Kosovo cũ là thành lập Đại Albania”.
Phong trào dân tộc cực đoan Vetevendosje đã giành được 13,59% tổng số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội Kosovo năm 2014, với cương lĩnh tranh cử kêu gọi hợp nhất với Albania.
Ý tưởng “Đại Albania” không phải là mới. Nó nổi lên sau thất bại của Đế chế Ottoman trong chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ 1877-1878. Một nhóm các nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Albania đã gặp nhau trong một nhà thờ Hồi giáo Prizren vào ngày 10 /6/1878 và tuyên bố thành lập “Đại Albania", nhằm hợp nhất các tỉnh của Đế quốc Ottoman có người Albania sinh sống.
Khái niệm này đã nhận được luồng sinh khí thứ hai, khi trùm phát xít Adolf Hitler lên nắm quyền ở Đức. Hitler và đồng minh người Italy Benito Mussolini đã tìm cách lôi kéo các phần tử dân tộc chủ nghĩa người Albania vào vòng tay của họ. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, các phần tử dân tộc chủ nghĩa Albania tham gia Sư đoàn SS Sơn cước số 21 đã tiến hành thanh lọc sắc tộc người Serbia và người Do Thái trên quy mô lớn, đặc biệt ở Kosovo và Bosnia-Hercegovina.
Đáng chú ý, một nửa thế kỷ sau, vào năm 1998-1999, Washington đã hậu thuẫn Quân đội giải phóng Kosovo (KLA), một tổ chức đến năm 1998 vẫn còn nằm trong danh sách "các tổ chức khủng bố" của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cáo buộc quân đội Serbia là "đồ tể", Nhà Trắng nhắm mắt làm ngơ trước nhiều tội ác của các phần tử dân tộc chủ nghĩa người Albania, trong chiến dịch ném bom hủy diệt Serbia của NATO.
Cựu Thủ tướng Hashim Thaci - và hiện thời là Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Cộng hòa Kosovo – từng được Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden ca ngợi là "George Washington của Kosovo” đã tham gia vào hàng loạt các vụ bắt cóc, giết người cùng với các chỉ huy KLA khác, theo một báo cáo điều tra của Hội đồng Châu Âu năm 2010.
|
Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden ca ngợi Hashim Thaci là "George Washington của Kosovo”.
|
Năm năm trước, cơ quan tình báo Đức BND đã đưa ra một phân tích 67 trang về tội phạm có tổ chức ở Kosovo, trong đó nói rằng các chính khách có máu mặt ở Kosovo – trong đó có Ramush Haradinaj, Xhavit Haliti và Hashim Thaci – đều can dự vào các hoạt động tội phạm.
Nhà báo Raimondo nhấn mạnh: "Mỹ không phải không biết sự nghiệp tội phạm của Thaci, mà là nhắm mắt làm ngơ. Trong màn kịch chiến thắng của công lý kinh tởm, các nhà lãnh đạo chính phủ Serbia đã bị đưa ra trước vành móng ngựa của Tòa án Quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh tại La Haye và bị phạt tù dài hạn. Trong khi đó, những kẻ côn đồ như Thaci lại leo lên các chức vụ cao và được cung cấp hàng triệu USD để nuôi dưỡng đám thuộc hạ Mafia của họ”.
Nhà báo Raimondo nhấn mạnh rằng trên thực tế, Kosovo hiện nằm dưới sự "bảo hộ của Mỹ ở trung tâm Châu Âu”. Đồng thời nó cũng là một tổ ong vò vẽ của các phần tử cực đoan “đe dọa làm suy yếu sự ổn định mong manh của lục địa Châu Âu”.
Minh Châu (Theo Sputnik News)