Mỹ phải làm gì với một “đồng minh” như Thổ Nhĩ Kỳ?

Google News

(Kiến Thức) - Việc  Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga không thể kích hoạt Chiến tranh thế giới III, nhưng Ankara đã đứng về phía Nhà nước Hồi giáo và chống phương Tây.

Đó là nhận định của nhà phân tích Doug Bandow,  một thành viên cao cấp của Viện Cato (Mỹ).
My phai lam gi voi mot “dong minh” nhu Tho Nhi Ky?
Nhà phân tích cao cấp người Mỹ Doug Bandow: Ankara đã đứng về phía Nhà nước Hồi giáo và chống phương Tây.
Theo nhà phân tích Doug Bandow,  Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã quá dại dột khi để cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga với cáo buộc vi phạm không phận.  Mặc dù hai nước hiện có nhiều mâu thuẫn,  nhưng không ai tin rằng Moscow có ý định thù địch với Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ đang là một mối đe dọa ngày càng tăng đối với lợi ích và giá trị phương Tây. Nước này không bao giờ là một người bạn thực sự của phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh hữu ích trong Chiến tranh Lạnh, mặc dù nước này luôn sẵn sàng gây chiến với Hy Lạp hơn với Liên Xô. Trong những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một sự mơ hồ về dân chủ.
Khi Đảng Công lý và Phát triển (AKP) lên nắm quyền vào năm 2002, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thời đó là Erdogan đã tìm cách chứng tỏ mình là một người theo đường lối tự do. Nhưng cuối cùng,  ông Erdogan đã tìm mọi cách thâu tóm quyền kiểm soát lực lượng cảnh sát và ngành tư pháp; tiến hành hàng loạt các vụ xét xử, tấn công các nhà báo độc lập, các chính trị gia đối lập và những người chỉ trích chính quyền.
Erdogan cũng đang thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tiến tới một nhà nước  Hồi giáo thuần túy. Mặc dù không ai hy vọng ông Erdogan biến Thổ Nhĩ Kỳ thành  một “Ả-rập Xê-út thứ hai”, nhưng ông ta  đã làm được khá nhiều trong việc xóa bỏ chính quyền thế tục. Tệ hơn nữa, chính phủ của ông Erdogan đã hỗ trợ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Mặc dù đồng ý giúp Washington chống IS, nhưng chính phủ Erdogan lại tập trung hỏa lực chống lại đồng minh người Kurd của Mỹ - lực lượng chủ chốt và chiến đấu có hiệu quả chống phiến quân IS.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga thậm chí còn vô trách nhiệm hơn, khi Ankara thừa biết rằng máy bay Nga không hề có ý định  tấn công lãnh thổ nước này. Bắn hạ máy bay Su-24 của Nga là một cuộc tấn công trực tiếp vào Moscow đang hỗ trợ chính phủ Assad.
Sau Chiến tranh lạnh, lợi ích chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đã tiêu tan. Suy cho cùng thì NATO không có trách nhiệm bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, khi Ankara cố tình bắn hạ máy bay Su-24 chỉ để khiêu khích Moscow.  Thật vậy, Thổ Nhĩ Kỳ chính là ví dụ mới nhất về việc các thành viên NATO tìm cách kéo Mỹ vào cuộc xung đột chẳng mang lại lợi lộc gì.
Thật trớ trêu, Nga lại một đối tác tốt hơn và đáng tin cậy hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ ở Trung Đông, khin Ankara  luôn ủng hộ các chiến binh thánh chiến đang tìm cách tấn công khủng bố nước Mỹ.
Ở  Trung Đông, lợi ích của Mỹ và Nga có nhiều điểm trùng lặp.  Lý do Mỹ cảm thấy có bổn phận phải lật đổ Tổng  thống Syria Bashar  al-Assad là không mấy rõ ràng. Cả Iraq và Libya đã chứng minh rằng lật đổ một  nhà độc tài là  không đủ. Người ta cần có một nhà lãnh đạo tốt hơn để thay thế, nhưng khốn nỗi Mỹ không hề nhìn thấy một nhân vật thay thế Assad khả dĩ nào ở Syria.
 Hợp tác với Nga không đòi hỏi ông Obama phải kết bạn với ông Putin hoặc tạo ra một liên minh chính thức. Thay vào đó, chính phủ hai nước chỉ cần làm việc với nhau và khi làm như vậy, họ  phục vụ lợi ích của cả hai quốc gia. Sự hợp tác này sẽ có kết quả gấp bội so với việc Mỹ đang hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ.  
Việc  Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga đang đẩy cuộc  xung đột Trung Đông vào một giai đoạn nguy hiểm.  Phương Tây nên từ bỏ liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ đã lỗi thời. Nga có thể không phải là một đồng minh, nhưng ít nhất nước này còn  thân thiện hơn và ít nguy hiểm hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Minh Châu (Theo Japan Times)