Năm 2017: Nguy cơ chính trị đè nặng kinh tế thế giới

Google News

(Kiến Thức) - Các nhà kinh tế đều có chung mối quan ngại: nguy cơ chính trị sẽ đè nặng lên thế giới hơn bao giờ hết trong năm 2017.

Theo Le Figaro, năm 2016 trái ngược dự đoán của các nhà phân tích với hai sự kiện chấn động: người dân Anh bỏ phiếu cho Brexit và tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.
Nhiều câu hỏi đang được đặt ra: Những quyết định đầu tiên mà Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra là gì? Những quyết định đó sẽ có những tác động như thế nào lên các thị trường tài chính, thương mại quốc tế, lãi suất và giá dầu?
Còn tại Châu Âu, hai nền kinh tế hàng đầu là Pháp và Đức sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang trỗi dậy.
Cho tới nay, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (ÌM) vẫn dự đoán sẽ có cải thiện về tăng trưởng thế giới và mậu dịch quốc tế, nhưng tình hình tại những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Nga khiến cho rất khó mà tiên liệu được những gì sẽ diễn ra trong năm 2017.
Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Theo Le Figaro, Bắc Kinh đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, vì trong thời gian tranh cử, ứng viên tổng thống Donald Trump đã kịch liệt đả kích Trung Quốc.
Nam 2017: Nguy co chinh tri de nang kinh te the gioi
Trong thời gian tranh cử, ứng viên tổng thống Donald Trump đã kịch liệt đả kích Trung Quốc.  Ảnh The Daily Beast
Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới càng thêm rõ nét với việc Tổng thống Mỹ vừa đắc cử Donald Trump vừa bổ nhiệm Peter Navarro, một nhà kinh tế nổi tiếng chống Trung Quốc, làm Cố vấn thương mại của Nhà Trắng.
Theo dự báo của ông Sébastien Jean, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế thế giới (CEPII), ông Trump sẽ không thể thực hiện tất cả những gì mà ông nói trong thời gian tranh cử. Chẳng hạn, ông sẽ không thể đánh thuế 45% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vì đây là biện pháp sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ.
Thế nhưng, chính quyền Trump có thể sẽ thi hành những biện pháp bảo hộ mậu dịch khác để bảo vệ ngành công nghiệp gang thép của Mỹ, hiện đang suy giảm do việc Trung Quốc sản xuất quá mức. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ ồ ạt chuyển lượng thép dư thừa sang thị trường Châu Âu, nơi mà ngành thép cũng đang khốn đốn.
Theo Le Figaro, Bắc Kinh cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn mà sẽ trả đũa Washington ngay lập tức, chẳng hạn như thay thế các đơn đặt hàng máy bay Boeing bằng máy bay Airbus, hạn chế bán điện thoại iPhone ở Trung Quốc hoặc đánh thuế vào đậu nành nhập từ Mỹ. Những biện pháp này sẽ tác hại nặng nề đến các lĩnh vực chủ chốt của kinh tế Mỹ.
Thế nhưng, theo nhận định của nhà kinh tế Julien Marcilly, trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại mới, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn Mỹ.
Minh Châu (Theo Le Figaro)