Năm bước tiến của Hải quân Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Cựu trợ lý tùy viên Hải quân Mỹ ở Bắc Kinh Christopher Sharman có bài viết trên tạp chí National Interest về năm bước tiến của Hải quân Trung Quốc.

Ông Christopher Sharman điểm lại năm bước tiến chính trong nỗ lực đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm thiết lập lực lượng hải quân có phạm vi hoạt động trên toàn cầu.
Cụ thể, trong khoảng thời gian 2004-2006, Hải quân Trung Quốc hoạt động  trong khu vực mà không vượt qua Chuỗi đảo thứ nhất ở Thái Bình Dương, kéo dài từ Alaska tới Philippines. Ở thời kỳ đó, Bắc Kinh “nép mình” như vậy là nhằm tránh các cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ và các đối tác an ninh. Thay vào đó, họ lại tăng cường đào tạo, huấn luyện để thực hiện các bước dài hơi trong các hoạt động ngày càng cách xa bờ biển Trung Quốc.
Nam buoc tien cua Hai quan Trung Quoc
Tàu hải quân Trung Quốc tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines số hiệu MH370 mất tích trên Ấn Độ Dương ngày 3/4/2014. 
Sau đó, bước sang giai đoạn 2007-2009, Bắc Kinh từng bước triển khai các hoạt động để tiến vào tây Thái Bình Dương, khi mở rộng phạm vi các cuộc diễn tập ở vùng biển Philippines. Theo ông Sharman, việc tiến hành tập trận ở khu vực này sẽ giúp tăng cường khả năng hoạt động của Hải quân Trung Quốc ở các vùng biển xa. Cựu trợ lý Sharman nhận xét, vào thời điểm đó, việc làm trên còn giúp hải quân nước này phát triển hệ thống hậu cần, chỉ huy và kiểm soát trong các hoạt động xa bờ.
Bước sang giai đoạn 2010-2012, Bắc Kinh bắt đầu tăng cường việc triển khai lực lượng ở tây Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường tần suất, mức độ phức tạp trong hoạt động diễn tập. Ông Sharman nhận định, các cuộc tập trận ở biển Philippines hồi 2007-2009 diễn ra dưới hình thức các tàu chiến đối mặt với nhau. Tuy nhiên, trong các bài tập hồi năm 2010-2012, Hải quân Trung Quốc đã huy động máy bay, tàu chiến và tàu ngầm tập luyện hiệp đồng tác chiến.
Sau đó, vào năm 2013 và 2014, Bắc Kinh lần đầu dùng máy bay chiến đấu (cất cánh từ đất liền) tham gia các cuộc tập trận hay diễn tập ở vùng biển Philippines. Thêm vào đó, lần đầu tiên họ huy động cả ba hạm đội cùng hoạt động một lúc trong cuộc diễn tập quy mô lớn ở tây Thái Bình Dương. Ngoài ra, Trung Quốc đã cử đội tàu chiến mặt nước tới Ấn Độ Dương để tham gia các hoạt động chống cướp biển.
Kết thúc bài viết, ông Sharman cho rằng việc Hải quân Trung Quốc thường xuyên hoạt động ở tây Thái Bình Dương cũng như tham gia các chiến dịch chống cướp biển giúp nước này thu được kinh nghiệm nhiều cần thiết. Điều này cuối cùng sẽ cho phép Trung Quốc thiết lập được lực lượng hải quân mạnh, có phạm vi hoạt động trên toàn thế giới.
Thanh Nga (theo WCT)