Ba trọng tâm chính trong chuyến công du châu Á lần thứ thứ 5 của Ngoại trưởng Mỹ liên quan đến đến các vấn đề thay đổi khí hậu, khủng hoảng Triều Tiên và căng thẳng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trong một thông điệp ngắn đăng tải trên mạng xã hội, Ngoại trưởng John Kerry cho biết, cùng đi với ông trong chuyến công du sắp tới có Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Châu Á - Thái Bình Dương Daniel Russel và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề khí hậu Todd Stern.
Đây là đầu tiên một ngoại trưởng Mỹ “phá lệ” công bố tới thăm Trung Quốc trước khi Bộ ngoại giao nước này đưa ra tuyên bố chính thức.
Theo đó, tại Bắc Kinh, ông Kerry sẽ nhấn mạnh vai trò của Mỹ và Trung Quốc – những nước phát thải các loại khí nhà kính hàng đầu thế giới bị cáo buộc làm trầm trọng hơn quá trình ấm lên toàn cầu - trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
|
Ông Kerry cũng sẽ chuyển thông điệp của Washington để cam kết theo đuổi, củng cố mối quan hệ toàn diện và tích cực với Bắc Kinh cũng như sự hoan nghênh của cường quốc số 1 thế giới đối với sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình và thịnh vượng được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng leo thang bởi các tham vọng lãnh thổ cuả Trung Quốc, đặc biệt là sau động thái đơn phương lập Khu vực Nhận dạng Phòng không trên Biển Hoa Đông của Bắc Kinh. Đây là khu vực Trung Quốc đang lún sâu vào tranh chấp lãnh thổ liên quan đến các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo không người ở Điếu Ngư/Senkaku.
Washington mới đây đã lặp lại yêu cầu Bắc Kinh điều chỉnh và làm rõ các yêu sách lãnh thổ của họ tại Biển Hoa Đông cũng như Biển Đông, đồng thời kêu gọi Trung Quốc thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình để ngăn chặn nguy cơ xung đột tại các điểm nóng tranh chấp trong khu vực.
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ cũng công khai khẳng định, Washington sẽ tuân thủ hiệp ước an ninh năm 1960 với Tokyo, bảo vệ Nhật Bản trước một cuộc tấn công, bao gồm xung đột với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông liên quan đến tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.
Sau Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ sẽ bay tới Jakarta để hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao của Indonesia trước khi đến Abu Dhabi để thảo luận về hòa bình Trung Đông và cuộc xung đột ở Syria.
Trong khi đó, tại Seoul, ông Kerry sẽ “thảo luận về các biện pháp để mở rộng quan hệ Mỹ-Hàn cũng như sự hợp tác giữa 2 nước trong các vấn đề khu vực, đặc biệt để mắt đến Triều Tiên, cũng như các vấn đề toàn cầu khác".
Bạch Dương (theo AFP)