Ngừng bắn ở Syria: Nhiều triển vọng, lắm chông gai

Google News

(Kiến Thức) - Các nhà phân tích nhận định, lệnh ngừng bắn vừa thỏa thuận ở Syria có nhiều triển vọng thành công, nhưng cũng lắm chông gai trong khâu thực hiện.

Mở đầu, nhà nghiên cứu chính trị Syria, ông Hmaidi Abdullah cho biết, có hai lý do để nhận định lệnh ngừng bắn ở Syria vừa đạt được có nhiều cơ hội thành công.
Đầu tiên đó chính là yếu tố thời gian. Quả thực, Mỹ và các đồng minh nhận thấy rằng chậm trễ trong việc thiết lập một chế độ ngừng bắn ở Syria sẽ là điều không hề có lợi cho họ. Đặc biệt, sau khi quân đội chính phủ Syria liên tiếp đánh chiếm nhiều thành trì của phe nổi dậy ở phía bắc nước này.
Thực tế, quân chính phủ Syria dưới sự hẫu thuận của Nga và nhóm Hezbollah từng bước tiến hành các cuộc tấn công vào những thành trì của phe nổi dậy ở gần biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này vấp phải phản ứng dữ dội từ phía Ankara khi quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại an ninh biên giới đang bị đe dọa.
Ngung ban o Syria: Nhieu trien vong, lam chong gai
Binh sỹ chính phủ Syria trên chiến tuyến.
Mục đích lực lượng chính phủ trung thành với ông Assad tiến đánh sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm cắt đứt các tuyến tiếp tế cho phe nổi dậy.
“Nếu bỏ lỡ thời gian mà các bên tham gia không đạt được một lệnh ngừng bắn thì quân chính phủ Syria và đồng minh sẽ tiếp tục tiến sâu để giành lại nhiều khu vực từ tay quân nổi dậy. Điều này một lần nữa sẽ hình thành một sự thay đổi trong cán cân quyền lực về phía có lợi cho quân của ông Assad”, ông Abullah nói với Tân Hoa Xã.
Lý do thứ hai đó là thỏa thuận ngừng bắn nêu rõ bên nào tham gia và không tham gia thỏa thuận lần này. Cụ thể, thỏa thuận này không áp dụng đối với phiến quân IS và Mặt trận al-Nusra có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda.
“Có các cơ chế để giải quyết những vấn đề mơ hồ. Đó là hai lý do giúp thỏa thuận ngừng bắn lần này có nhiều cơ hội thành công hơn so với các sáng kiến đưa ra trước đó”, nhà nghiên cứu chính trị này kết luận.
Theo đó, Nga và Mỹ đã nhất trí về các điều khoản trong lệnh ngừng bắn ở Syria vào hôm 22/2. Theo đó, các bên tham gia cuộc xung đột ở Syria sẽ đình chiến vào lúc 12h (giờ Damascus) ngày 27/2.
Trong khi đó, ông Abdullah cũng nêu những thách thức có thể vấp phải trong quá trình thực thi lệnh ngừng bắn này. ‘
Trên thực địa chiến trường, các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy thường chồng chéo nhau. Điều này gây nên khó khăn lớn cho các bên liên quan trong việc xác định nhóm nào thuộc và không thuộc bên tham gia lệnh ngừng bắn này.
Trong khi đó, ông Abdullah cảnh báo rằng, một khi thỏa thuận ngừng bắn này sụp đổ thì Syria sẽ đứng bên bờ vực của một cuộc chiến lâu dài, mà ở đó các cuộc xung đột vũ trang là không tránh khỏi. “Cuộc chiến lâu dài là điều chẳng ai mong muốn cả”, ông nói.
Tuy nhiên, trong trường hợp, thỏa thuận đình chiến ở Syria này thành công thì các cơ chế để đạt được một giải pháp chính trị, giúp bình ổn tình hình ở Syria cũng sẽ mở rộng.
“Sẽ có một cuộc đối thoại để tiến tới thành lập một chính phủ mới có sự tham gia của các đảng đối lập ở Syria sau khi ổn định tình hình ở chiến trường. Sau đó, một cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong một giai đoạn chuyển tiếp phù hợp với thỏa thuận mà các cường quốc nhất trí ở Vienna”, ông Abdullah chia sẻ.
Hồi tháng 11/2015, Nga, Mỹ và các cường quốc từ châu Âu và Trung Đông đã nhất trí về khung thời gian thành lập một chính phủ chuyển tiếp ở Syria và tiến hành bầu cử trong 18 tháng.
Họ cùng đồng ý rằng, chiến đấu chống lại phiến quân IS là một ưu tiên trong quá trình đạt được giải pháp chính trị ở Syria.
Còn về phần mình, một chuyên gia phân tích chính trị khác tên Muin Ibrahim chia sẻ quan điểm cá nhân với Tân Hoa Xã rằng, lệnh ngừng bắn thành công sẽ là bước đầu tiên để ngăn tình trạng bạo lực ở quốc gia Trung Đông này.
Ngung ban o Syria: Nhieu trien vong, lam chong gai-Hinh-2
 Thành viên Quân đội Syria Tự do (FSA) - nhóm nổi dậy ở Syria - đang chiến đấu.
Còn ông Mahmud Muri, người đứng đầu cơ quan Democratic Work Body, nói rằng: “Có nhiều bên muốn lệnh ngừng bắn này thành công vì tình hình ở Syria hiện đang ở giai đoạn rất nguy hiểm, khả năng xảy ra xung đột quân sự nhiều hơn một giải pháp chính trị”.
Ông Muri cũng chỉ ra những khó khăn mà lệnh ngừng bắn này có thể gặp phải. Theo ông, khó khăn đó chủ yếu là ở việc phân cấp trong hàng ngũ lãnh đạo phe nổi dậy cũng như mối quan hệ liên minh không chính thức của họ với các nhóm khủng bố như Mặt trận al-Nusra và IS.
Và để đảm báo thu được kết quả tốt nhất, ông Muri đề xuất rằng, các biên giới giáp với Syria phải đóng lại để ngăn các chiến binh Hồi giáo nhận vũ khí và tiếp tế, qua đó loại bỏ khả năng chúng lợi dụng lệnh ngừng bắn để củng cố lực lượng.
Trong khi đó, hôm 23/2, Bộ trưởng Hòa giải Dân tộc Syria Ali Haidar khẳng định, lệnh ngừng bắn ở Syria lần này không hề ảnh hưởng tới cuộc chiến chống khủng bố.
Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Haidar đã hoan nghênh việc chính phủ nước này chấp nhận lệnh ngừng bắn mà Mỹ và Nga nhất trí.
Còn Ngoại trưởng Syria cảnh báo, quân đội chính phủ nước này có quyền đáp trả lại mọi sự vi phạm lệnh ngừng bắn do lực lượng đối lập gây ra nhằm vào dân thường hoặc các quân nhân.
Ngoài ra, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho hay, ông sẵn sàng đồng ý lệnh ngừng bắn đó với điều kiện “các phần tử khủng bố” không được phép phá hoại nó.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ El Pais, ông Assad cho rằng, việc ngừng chiến ở Syria cũng là cơ hội để quân khủng bố lợi dụng nhằm củng cố vị trí đồn trú của chúng.
Đồng thời, ông cũng kiên quyết đòi các nước như Thổ Nhĩ Kỳ phải chấm dứt hỗ trợ vũ khí, hậu cần cho những kẻ khủng bố ở Syria.
“Chúng tôi tuyên bố sẵn sàng tôn trọng lệnh ngừng bắn đó. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ tuyên bố hay không bởi vì các bên khác cũng có thể tuyên bố điều tương tự. Nó phụ thuộc vào những gì diễn ra ở chiến tuyến”, Tổng thống Assad nói.
Thanh Nga (theo THX)