Những ngày gần đây, Quảng trường Độc lập tại Kiev rộ lên những trận ẩu đả
đẫm máu, trong đó đám đông người biểu tình hò nhau, xúm lại đánh đấm túi bụi những nhân viên an ninh, cảnh sát từng tham gia vào các cuộc trấn áp biểu tình.
Những người bị cho là người của chính phủ cũ như công nhân viên chức chính phủ, các tay súng bắn tỉa, thậm chí những người ủng hộ
Tổng thống Yanukovich… đều là mục tiêu trả thù của đám đông biểu tình quá khích. Dù có tội hay không có tội, họ đều trở thành nạn nhân của cái gọi là “công lý cách mạng” mà nhiều người biểu tình
Ukraine kêu gọi sau khi lật đổ chính phủ của Tổng thống Yanukovich.
|
Đám đông người biểu tình lao vào đấm, đá một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền vừa bị lật đổ bên ngoài tòa nhà quốc hội Ukraina.
|
Tuy nhiên, đối tượng trả thù số 1 của người biểu tình Ukraine chính là cảnh sát chống bạo động, lực lượng an ninh từng tham gia vào các cuộc trấn áp biểu bình, các thẩm phán, quan tòa, công tố viên từng ra lệnh bắt giữ những đối tượng quá khích, hung hăng.
Bên trong hội trường lớn của một tòa nhà chính phủ do người biểu tình Ukraine kiểm soát, 10 ảnh chân dung các thẩm phán của chính quyền cũ được dán lên tường với những dòng ghi chú màu đỏ nổi bật nhấn mạnh họ phải chịu trách nhiệm cho các quyết định “bỏ tù” người biểu tình, “cấm tụ tập trên đường phố” trước đây. Người biểu tình
Ukraine đang ráo riết truy lùng các mục tiêu của họ.
|
Một người đàn ông bị cáo buộc là tay sai của chính phủ cũ bị người biểu tình Ukraine lao vào đánh đấm.
|
Yuriy Levchenko, người được phong là “chỉ huy” của đám đông người biểu tình cắm chốt ở tòa nhà chính phủ này cho biết, đây là một phần của chiến dịch thực thi “công lý cách mạng”.
“Cách đây chỉ một 2 ngày, chúng tôi bị chính quyền đàn áp. Lúc đó chúng tôi không có vũ khí, không có sức mạnh. Nhưng nay tình hình đã đảo ngược. Một trong những cách để trả thù những thẩm phán tham nhũng, cảnh sát chống bạo động, lực lượng an ninh cũng như những người thực thi pháp luật của chính quyền cũ là truy lùng họ, lôi họ ra trước đám đông trên phố, chửi rủa vào mặt họ, sỉ nhục và phá hủy xe của họ”, ông Levchenko nhấn mạnh.
Theo Levchenko, “sự trả thù” của người biểu tình có thể “đi xa hơn” và không có gì ngạc nhiên khi nhân viên, quan chức của chính phủ cũ bị đánh hội đồng bởi “họ từng gây ra hàng trăm điều còn tội tệ hơn” đối với người biểu tình.
|
Một người ủng hộ Tổng thống Yanukovich che đầu cố chống chọi lại trận đòn của người biểu tình chống chính phủ.
|
Ngoài ra, để biện minh cho hành động trả thù của người biểu tình, ông Levchenko – người từng theo học Trường Kinh tế London còn nhấn mạnh rằng: “các chính trị gia phương Tây và nhiều nhà báo phương Tây không thể hiểu được mức độ tham nhũng của cảnh sát, các quan chức an ninh cũng như tư pháp ở Ukraine và mức độ thù hận chồng chất của người dân đối với hệ thống chính quyền cũ”. Dù nhờ cái mà người biểu tình gọi là “cuộc cách mạng” đã lật đổ được chính quyền Tổng thống Yanukovich, không ai dám chắc về những thành quả cuối cùng của nó. Do đó, người biểu tình đã quyết định thực hiện “công lý” ngay lập tức.
Những diễn biến như vậy đang dấy lên quan ngại từ nhiều phía, trong đó có cả những người ủng hộ phong trào biểu tình. Ông Pavlo Rizanenko, một nghị sĩ của Đảng đối lập Udar nhấn mạnh: “Giữa công lý và trả thù có sự khác biệt rõ ràng. Trả thù không mang lại bất cứ lợi ích gì ngoài sự hả hê tức thời. Mọi người không thể lấy cái ác để chống lại các ác. Chúng ta không cần trả thù. Điều chúng ta cần là công lý…”.
Bạch Dương (theo Telegraph)