Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un “thêm thù, bớt bạn“

Google News

(Kiến Thức) - Không được như ông và cha vốn là các chiến lược gia bậc thầy, nhà lãnh đạo Kim Jong-un xem ra thiếu một chiến lược khôn ngoan “thêm bạn, bớt thù”.

 Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un thiếu sự khôn ngoan của cha ông.

Nhà lãnh đạo lập nước và Chủ tịch vĩnh cửu Kim Il-sung đã triệt để khai thác sự chia rẽ Trung-Xô trong suốt Chiến tranh Lạnh để thu hút viện trợ của cả hai nước mà không cần phải đứng về bên nào.

Khi nền tảng của chiến lược này bị sụp đổ với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, con trai ông là Kim Jong-il đã chuyển sang khai thác nỗi quan ngại của Mỹ và Trung Quốc về sự bất ổn định ở Đông Bắc Á và phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như khát khao thống nhất đất nước của Hàn Quốc…để kiếm được viện trợ rất cần thiết cho nền kinh tế Triều Tiên.

Đối với một nhà nước khá bấp bênh như Triều Tiên, các nhà lãnh đạo cần có một chiến lược khôn ngoan để biến nước này trở thành một cái gì đó cần thiết đối với cộng đồng quốc tế. Nhưng xem ra nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un thiếu tầm nhìn chiến lược và các kỹ năng khôn khéo mà ông nội và cha của ông dựa vào để duy trì chế độ.

Hãy còn quá sớm để nhận định liệu Triều Tiên có chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện hành theo hướng có lợi cho nước này. Mặc đã thành công trong việc thu hút chú ý của thế giới, song những hành động hiếu chiến của Bình Nhưỡng không mang lại bất kỳ lợi ích thiết thực nào cho miền Bắc Triều Tiên.

Triều Tiên dường như đã “thành công” trong việc khiến các đối thủ và các đồng minh cũ chống lại nước này, trong khi mất đi một nguồn ngoại tệ mạnh thông qua việc  đóng cửa khu công nghiệp Kaesong và khiến Trung Quốc “tích cực” áp dụng lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Hành động của Triều Tiên trong tuần qua thể hiện để một cố gắng tuyệt vọng kiếm được một cái gì đó từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Việc mời một cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản đến Bình Nhưỡng rõ ràng là tìm cách khai thác sự bất đồng trong liên minh Nhật-Mỹ-Hàn.

Tuy nhiên, những động thái trên của Triều Tiên dường không mang lại gì nhiều. Một ví dụ để chứng minh cho điều này là việc Triều Tiên liên tiếp phóng 6 tên lửa tầm ngắn trong vòng 3 ngày. Vụ phóng này không thu hút được sự chú ý của thế giới và chính phủ Hàn Quốc vẫn bình thản nói với dân chúng rằng Triều Tiên sẽ còn phóng nhiều tên lửa tương tự trong tương lai.

Hàn Quốc hiện không còn nhẫn nhịn trước các hành động khiêu khích của Triều Tiên như trong năm 2010. Điều này đã được thể hiện rõ ràng qua những tuyên bố  của Tổng thống Park Geun-Hye và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên Hàn Quốc. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên hoàn toàn có thể hiểu rằng thái độ của phía bên kia khu phi quân sự đã thay đổi và cần có hành động phù hợp. Khốn nỗi, họ lại thiếu sự lựa chọn hành động có thể khai thông những bế tắc mà Triều Tiên hiện đang phải đối mặt.

Trung Quốc xem ra không còn mặn mà  giúp đỡ Triều Tiên như trước đây. Mặc dù không tự áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Triều Tiên, nhưng ban lãnh đạo ở Bắc Kinh xem ra không còn kiên quyết bảo vệ Bình Nhưỡng trước sự trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Tháng trước, Trung Quốc đã từ chối cử  một phái viên cấp cao tới Triều Tiên theo yêu cầu của Bình Nhưỡng. Có lẽ vì Triều Tiên vẫn phóng tên lửa, thử hạt nhân trái với sự khuyên bảo của ban lãnh đạo Trung Quốc

Việc Triều Tiên “bắt cóc” một tàu đánh cá của Trung Quốc lại càng khiến cho Bắc  Kinh xa lánh Kim Jong-un. Hành động này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong xã hội Trung Quốc.  

Những lời chỉ trích, lên án Triều Tiên trên các trang web truyền thông xã hội của Trung Quốc liên quan đến vụ “bắt cóc tàu cá” có khả năng khiến cho Bắc Kinh có lập trường cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, chứ không phải thái độ hòa giải như nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un hằng mong đợi .

Thật vậy, dư luận Trung Quốc có thể gây khó cho ban lãnh đạo Triều Tiên trong việc “kiếm tiền” từ phía Trung Quốc thời gian tới.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo Diplomat)