Nhìn lại Syria sau gần 1 thập kỷ “điêu đứng” vì chiến tranh

Google News

Sau gần 1 thập kỷ bị chiến tranh tàn phá, liệu Syria có sắp được chứng kiến một cái kết “có hậu”?

Gần 1 thập kỷ bị chiến tranh tàn phá
Trong gần một thập kỷ, Syria bị tàn phá bởi những cuộc chiến đẫm máu khiến ít nhất nửa triệu người thiệt mạng cùng hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa và dẫn tới sự nổi lên của các nhóm khủng bố, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Nhin lai Syria sau gan 1 thap ky “dieu dung” vi chien tranh
Cuộc chiến ở Syria đã khiến nửa triệu người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Ảnh: AP. 
Cuộc xung đột ở Syria bắt đầu bùng nổ sau khi phong trào Mùa xuân Arab với những cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra ở một loạt quốc gia từ Trung Đông tới Bắc Phi,
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chứng kiến Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali phải chạy sang Syria tỵ nạn, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị lật đổ và Tổng thống Libya Gaddafi bị sát hại sau một cuộc nổi dậy có vũ trang.
Ông Assad cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi hàng loạt những cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra, ban đầu là ở thành phố Daraa ở phía nam Syria và sau đó lan ra khắp đất nước với mức độ bạo lực ngày càng gia tăng.
Cuộc nổi dậy ở Syria đã biến thành nội chiến toàn diện vào năm 2012 với những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và nhiều phe phái đối lập khác nhau.
Trong cuộc chiến đó, thành phố Homs và Aleppo trở thành những chiến trường đẫm máu, nơi nhiều dân thường trở thành nạn nhân của chiến tranh và nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Aleppo chiến địa ác liệt nhất từ tháng 7/2012 đến 12/2016 và là một trong những khu vực bị bao vây lâu nhất với thương vong đáng kể nhất trong chiến tranh hiện đại khi có tới 30.000 người đã thiệt mạng tại đây.
Cũng trong gần 1 thập kỷ này, hàng triệu người Syria đã phải tị nạn ở những quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon trong điều kiện sống đông đúc và tạm bợ.
Sự can thiệp từ bên ngoài
Một điều có thể thấy rõ là cuộc xung đột Syria không chỉ nằm trong phạm vi biên giới quốc gia Trung Đông này. Những cuộc giao tranh và tình trạng bất ổn liên miên ở Syria đã trở thành nơi nuôi dưỡng mầm mống khủng bố.
Trong quá trình này, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) dần lớn mạnh về lực lượng và nắm giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía đông Syria. Nhóm khủng bố này đã chiếm giữ thành phố Raqqa và một khu vực rộng lớn ở vùng Deir ez-Zor giàu tài nguyên dầu mỏ. Năm 2014, IS đã thành công trong việc mở rộng các khu vực chiếm giữ và kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq. Vào thời kỳ tổ chức khủng bố này phát triển mạnh mẽ nhất, chúng đã chiếm được một khu vực rộng lớn có diện tích bằng nước Anh.
Sự nổi lên của IS đã biến cuộc xung đột ở Syria không còn là một cuộc nội chiến nữa mà đã trở thành cuộc chiến chống khủng bố với sự can thiệp từ một loạt các quốc gia bên ngoài.
Mỹ đã thành lập một liên quân đa quốc gia gồm các nước phương Tây và Arab để đối phó với IS ở cả Iraq và Syria. Tuy nhiên, thay vì hợp tác với chính phủ Tổng thống Assad, Washington đã liên kết với nhóm người Kurd ở Syria nhằm chống lại IS.
Lực lượng người Kurd ở Syria liên minh với các bộ lạc khác và thành lập Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) vào tháng 10/2015. Với sự hậu thuẫn từ liên minh do Mỹ dẫn đầu, lực lượng này dần phá hủy nhiều cơ sở quan trọng của IS, giành lại thành phố Raqqa vào tháng 10/2017 và kiểm soát được thành trì cuối cùng của chúng là thị trấn Baghouz ở phía đông Syria vào tháng 3/2019. Trong quá trình chiến đấu, lực lượng SDF đã tổn thất khoảng 11.000 quân.
Tháng 9/2015, Nga trực tiếp can thiệp vào Syria và ủng hộ Tổng thống Assad vào thời điểm nhà lãnh đạo Syria chỉ đang kiểm soát 1/4 lãnh thổ quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn của Moscow cả về vũ khí và nguồn lực, quân chính phủ đã giành lại thế tấn công, đáng kể nhất phải kể tới giai đoạn cuối trong chiến dịch ở Aleppo vào tháng 12/2016.
Hiện Nga đang ủng hộ chính phủ Tổng thống Assad tiến hành hàng loạt cuộc tấn công ở tây bắc Idlib, khu vực chủ yếu do nhóm HTS kiểm soát có tiền thân là một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Dù vậy, 3 triệu dân thường vẫn mắc kẹt ở Idlib và có nguy cơ trở thành nạn nhân của những cuộc giao tranh giữa quân đội Syria và các nhóm đối lập.
Đầu năm 2012, Israel bắt đầu tiến hành hàng trăm cuộc không kích vào Syria, chủ yếu nhằm vào hệ thống vũ khí của Iran bởi nước này không muốn Tehran chuyển các vũ khí này cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon vốn bị Israel coi là khủng bố.
Một quốc gia nữa can thiệp vào cuộc chiến ở Syria mà không thể bỏ qua là Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara ban đầu muốn ủng hộ những kẻ đối lập chống lại Tổng thống Assad song sau đó, khi dần nhận ra sự lớn mạnh của lực lượng người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ trở nên cảnh giác hơn. Nước này luôn coi lực lượng người Kurd ở Syria có liên hệ với nhóm người Kurd đòi ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Vấn đề này cũng trở thành trở ngại không nhỏ khiến Ankara và Washington "mặt nặng mày nhẹ" với nhau bởi trong khi lực lượng người Kurd là đồng minh sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống IS thì Thổ Nhĩ Kỳ lại coi họ là những kẻ khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã tiến hành 3 chiến dịch lớn vào Syria lần lượt diễn ra trong năm 2016, năm 2018 và tháng 10/2019 để loại bỏ nhóm người Kurd mà Ankara cho là "hậu họa" này.
Mỹ tuyên bố rút quân, Nga gia tăng ảnh hưởng
Tháng 12/2018, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria, một quyết định gây nên nhiều tranh cãi trong chính trường Mỹ và phản ứng từ các đồng minh của Washington. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis từ chức sau quyết định rút quân của ông Trump.
Đặc biệt, sau khi Thư ký Báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham tuyên bố Mỹ "sẽ không hỗ trợ hoặc tham gia vào hoạt động và sẽ không còn trực tiếp hiện diện ở khu vực này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tiến bước với các hoạt động đã được lên kế hoạch từ lâu ở phía Bắc Syria”, Washington đã bị cho là "đâm sau lưng" người Kurd.
Việc Mỹ rút quân khỏi Syria đã để lại “khoảng trống” quyền lực ở quốc gia Trung Đông này, trong khi những nhân tố bên ngoài khác, đặc biệt là Nga luôn sẵn sàng để lấp đầy. Có một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay, Nga đang là người chơi chính là Syria nói riêng và Trung Đông nói chung với tầm ảnh hưởng ngày một gia tăng.
Moscow đã giúp Tổng thống Assad giành lại phần lớn lãnh thổ Syria và đóng vai trò tích cực trong việc dàn xếp tình hình ở quốc gia này. Tuy nhiên, Nga không có ý định chỉ đơn giản là “giúp” và trao lại Syria cho Tổng thống Assad. Damascus là “bước đệm” để Moscow gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông, cũng như củng cố sức mạnh quân sự.
“Phần thưởng” mà Nga nhận được từ Tổng thống Assad là những địa điểm đặt cơ sở quân sự ở Syria như căn cứ Hải quân Tartus và căn cứ Không quân Khmeimim.
Nếu như Tartus là căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở nước ngoài thì căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở tỉnh Latakia gần đó cũng là trung tâm quan trọng cho các chiến dịch quân sự của Moscow. Hiện Nga có khoảng 30 chiến đấu cơ tại Khmeimim, trong số đó gồm các loại máy bay như Su-35, Su-24 và các trực thăng Mi-35 và Mi-8AMTSh.
Có thể nói, Nga không chỉ là người chơi mà còn đang định hình nên luật chơi ở Syria và rộng hơn là ở Trung Đông.
Diễn biến ở Syria hiện nay
Cuộc chiến ở Syria đã trải qua gần 1 thập kỷ với nhiều thăng trầm nhưng cái kết thực sự cho quốc gia Trung Đông này có thể sẽ không đến sớm. Những hy vọng “lóe” lên chưa được bao lâu khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một thỏa thuận dàn xếp tình hình Syria hồi tháng 10/2019 thì những cuộc giao tranh gần đây tại Idlib giữa quân chính phủ và các nhóm đối lập lại khiến quốc gia này thêm bất ổn.
Thậm chí, kể cả khi kết thúc chiến tranh, Syria vẫn sẽ còn một chặng đường dài phía trước để tái thiết đất nước khi cuộc chiến thập kỷ gần như phá hủy phần lớn các cơ sở hạ tầng của nước này.
Liên Hợp Quốc ước tính thiệt hại của những công trình bị phá hủy này là 388 tỷ USD trong khi tổn thất với GDP của Syria là 268 tỷ USD. Hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng Syria sẽ cần ít nhất 1 thập kỷ để tái thiết lại những cơ sở hạ tầng bị chiến tranh phá hủy.
Gần đây, Tổng thống Assad đã để ngỏ khả năng tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhằm tái thiết đất nước. Nếu kế hoạch này trở thành hiện thực, cục diện Syria trong thời gian tới sẽ có nhiều biến chuyển với sự thay đổi đáng kể về vai trò và ảnh hưởng của các nhân tố hiện nay trong khu vực.
Theo Kiều Anh/VOV.VN