Những nhân tố định hình thế giới năm 2016

Google News

Những thông điệp đầu năm quan trọng mà các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra có thể sẽ định hình bức tranh toàn cảnh của thế giới trong năm 2016.

Nhung nhan to dinh hinh the gioi nam 2016
Pháo hoa đón chào năm 2016.
Ưu tiên phát triển

Trong khi một số nước trên thế giới vẫn đang phải vật lộn để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn hồi năm 2008 thì nhiều nước đã đưa ra ưu tiên hàng đầu là phát triển kinh tế trong năm 2016. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết mối quan tâm hàng đầu của ông trong năm 2016 là đưa hàng chục triệu người Trung Quốc ở khu vực nông thôn thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã cam kết rằng đến năm 2020, nước này sẽ xóa đói giảm nghèo hoàn toàn.
Cả Tổng thống Italy Sergio Matterella lẫn Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila đều lên tiếng bày tỏ sự lo lắng về các điều kiện kinh tế của đất nước họ, đồng thời kêu gọi tiến hành đổi mới và cải cách nhằm phục hồi sự tăng trưởng kinh tế.
Chống khủng bố
Năm 2015 là năm phải chứng kiến sự hoành hành và gia tăng mạnh mẽ nạn khủng bố toàn cầu, trong đó đáng chú ý nhất là tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Tổ chức này không chỉ gieo rắc sự chết chóc và tàn phá ở Trung Đông mà còn gây ra các vụ sát hại đẫm máu đối với những người dân vô tội ở bên ngoài khu vực này.
Pháp đã hai lần trở thành nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố: một vụ nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1/2015 và một loạt vụ diễn ra ở thủ đô Paris hồi tháng 11/2015. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande - trong bài phát biểu chào mừng Năm Mới - đã nói rằng nước ông "vẫn chưa toàn tất cuộc chiến chống khủng bố". Phát biểu này của ông Hollande cũng đã được các nhà lãnh đạo thế giới khác như nhà lãnh đạo Nga, Italy, Trung Quốc, Cameroon... nhắc lại. Tất cả đều nhấn mạnh đến tính cấp bách của việc chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.
Với quyết tâm của các nhà lãnh đạo thế giới sẽ hành động mạnh mẽ hơn nữa, năm 2016 có thể sẽ chứng kiến một nỗ lực chung chưa từng thấy của cộng đồng quốc tế để không chỉ chiến đấu chống khủng bố về mặt quân sự mà còn cả về ý thức hệ.
Bảo vệ môi trường
Hiệp ước về khí hậu được trông đợi từ lâu đã được ký kết tại thủ đô Paris của nước Pháp hồi tháng 12/2015, tạo thêm động lực mới cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giảm bớt tình trạng ấm lên toàn cầu và bảo vệ môi trường.
Giới phân tích cho rằng việc ký kết hiệp ước này không chỉ giúp tái định hình thị trường năng lượng toàn cầu mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực khác. Trong bài phát biểu chào mừng Năm Mới, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila đã bày tỏ sự lạc quan khi nói rằng hiệp ước mới này sẽ kích thích ngành công nghệ sạch - một lĩnh vực mà Phần Lan cho là họ có cơ hội để phát triển.
Giải quyết vấn nạn di cư
"Làn sóng" người nhập cư đã tràn vào châu Âu và đây chính là những "tin nóng" hàng đầu trong các bản tin của truyền thông thế giới năm 2015. Hàng triệu người tị nạn đã chạy trốn khỏi đất nước Syria, Iraq, Afghanistan và Libya vốn bị chiến tranh tàn phá để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu.
Tuy nhiên, khi có quá nhiều người tị nạn đổ về châu Âu, người dân ở khu vực này chuyển từ thái độ sẵn sàng tiếp nhận sang thái độ lo lắng vì quan ngại rằng họ khó có thể gánh vác được một lượng lớn người di cư như vậy.
Năm 2016 được cho là năm quyết định đối với cuộc khủng hoảng ở Syria - vốn được coi là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn. Nếu các cường quốc thế giới có thể vượt qua được những bất đồng và giải quyết cuộc khủng hoảng này theo hướng hòa bình thì cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất trong lịch sử hiện đại mới có thể chấm dứt.
Theo Báo Tin tức/TKK