Máy bay chiến đấu của Nga đã bắt đầu các đợt không kích nhằm vào các mục tiêu của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) ở Syria. Mặc dù phiến quân IS vẫn chưa có phản ứng rõ nét, song sự hiện diện của quân đội Nga ở Syria chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của tổ chức khủng bố này. Báo "National Interest" (Mỹ) đã đưa ra một số phương thức mà IS có thể sử dụng để đối phó với các cuộc tấn công của quân đội Nga như sau:
Phá hoại: Tháng 9/2012, một nhóm chiến binh đã thâm nhập căn cứ Bastion ở Afghanistan, phá hủy 8 máy bay AV-8B Harrier của lính thủy đánh bộ Mỹ. Cuộc tấn công là một đòn mạnh giáng vào uy tín của lính thủy đánh bộ Mỹ, và dẫn đến tổn thất lớn nhất về máy bay chiến đấu của nước này kể từ cuộc Chiến tranh Việt Nam. Căn cứ không quân ở Latakia (Syria) có hàng chục máy bay chiến đấu của Nga nên sẽ là "mục tiêu hấp dẫn" của tổ chức khủng bố IS. Việc gây thiệt hại hay loại khỏi vòng chiến đấu số máy bay của Nga nói trên sẽ là một chiến thắng tuyên truyền cho IS giống như cuộc tấn công của Taliban vào Bastion năm xưa.
|
Khói bốc lên từ một nhà máy chế tạo bom ở Maarat al-Numan, phía nam thị trấn Idlib, Syria sau đợt oanh tạc của không quân Nga ngày 3/10. Ảnh: Reuters/ TTXVN.
|
Tên lửa không điều khiển: IS chưa thể hiện khả năng đặc biệt có thể tấn công mục tiêu ở xa. Tuy nhiên, một số nhóm đối lập khác ở Syria sở hữu tên lửa không điều khiển tầm trung và tầm xa, thậm chí đã sử dụng trong giao tranh. Một số tên lửa này (phần lớn trong số đó được chế tạo theo thiết kế của Syria) có thể vươn tới căn cứ của Nga ở Latakia. Nga chưa thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới các hệ thống này, nhưng nếu IS có thể sở hữu (chế tạo hoặc mua) các vũ khí như vậy và đưa vào khu vực Latakia thì các máy bay Nga có nguy cơ bị tấn công cao.
Tên lửa đối không: Hiện IS chưa có đủ khả năng chống các mục tiêu trên không, dù không quân Syria và lực lượng liên quân đã không kích trên toàn lãnh thổ Iraq và Syria. Tuy nhiên, những máy bay của Nga có thể bị các phương tiện phòng không hạng nhẹ mà IS sở hữu gây tổn hại. Ngoài ra, IS còn sở hữu một số vũ khí có thể chống trực thăng và cường kích bay với tốc độ thấp của Nga. Nếu các cuộc không kích của Nga hiệu quả, IS sẽ có nhiều động lực để sử dụng các tên lửa phòng không có điều khiển mà chiến binh của họ đang sở hữu. Do binh sĩ Nga sở hữu các phương tiện chiến tranh và được huấn luyện kỹ hơn binh lính Syria tham chiến, nên IS hoàn toàn có thể có nhu cầu cải thiện khả năng phòng thủ trên không của mình.
Người Chechnya: Hiện có nhiều tin đồn khác nhau về số lượng người Nga chiến đấu trong hàng ngũ IS, trong đó theo các nguồn tin chính phủ là khoảng 1.800-5.000 người và phần lớn là người Chechnya. Các chiến binh này có thể gây ra "thiệt hại kép" cho Nga. Họ có lẽ đã quen thuộc các chiến thuật và qui tắc chiến đấu của Nga hơn bất cứ ai ở Syria (kể cả quân đội chính qui). Nếu họ có thể sử dụng các kinh nghiệm thu được trong hai cuộc chiến ở Chechnya, đây sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nga. Còn tại Nga, người Chechnya có thể sẽ nối lại cuộc tấn công phá hoại mà Moskva đã phải chịu đựng trong gần 2 thập kỷ. Ngoài ra, các chiến binh Chechnya khi trở về có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột ở nhiều khu vực miền Nam nước Nga, cũng như ở khu vực Trung Á - nơi Moskva coi là thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình.
Tuyên truyền: IS áp dụng các biện pháp đe dọa đáng sợ, bởi nhóm này có một bộ máy tuyên truyền hiệu quả, thể hiện sự khéo léo đáng kinh ngạc trong việc sử dụng các mạng xã hội, thu hút được nhiều sự chú ý. IS vẫn thu nạp đều đặn các chiến binh và tân binh, nhưng nỗ lực tuyên truyền chủ yếu nhằm vào phương Tây và chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Cuối mùa Xuân vừa qua, IS đã bắt đầu các hoạt động tuyên truyền chống Nga. Việc Moskva triển khai một lực lượng lớn quân ở Syria là lý do để tổ chức này có thêm cơ hội mở rộng các nỗ lực tuyên truyền. Cỗ máy tuyên truyền của IS có thể không chỉ làm tăng dòng chiến binh từ Nga và Trung Á tới Syria, mà còn kích thích mở rộng hoạt động khủng bố "độc lập" trên lãnh thổ Nga.
Nguy cơ cao: Nga có vị thế đặc biệt "yếu" tại Syria. Nếu Moscow giành chiến thắng, họ sẽ có liên minh vĩnh viễn với tổng thống Bashar al-Assad. Ngược lại, nếu khủng bố IS hay các lực lượng nổi dậy khác chiến thắng, Nga sẽ mất chỗ đứng của mình trong khu vực, chưa kể mất mặt vì thất bại. Trên thực tế, rủi ro trong cả hai trường hợp là rất lớn và lợi ích rất nhỏ khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng Nga đưa ra các quyết định chiến lược mang tính hiệu quả cao. Dù sao, quan hệ giữa Nga với người Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới sẽ trở nên thù địch hơn. Vào cuối cuộc Chiến tranh Lạnh, trong cộng đồng chiến lược Mỹ tồn tại quan điểm rằng bất cứ vấn đề gì lực lượng Hồi giáo cực đoan gây ra với phương Tây, chúng có thể gây thiệt hại nhiều hơn nữa cho Liên bang Xô Viết. Từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi, song quan điểm này vẫn còn: IS có khả năng gây ra cho Nga những thiệt hại mà chúng không thể gây ra cho Mỹ.
Theo Báo Tin Tức