|
Lính Trung Quốc tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ do 1 viên Thiếu tướng chỉ huy. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.
|
Đa Chiều ngày 9/5 đưa tin, Tập Cận Bình xuất hiện trên lễ đài Quảng trường Đỏ ngày 9/5 và liên tục "ghé tai chụm đầu" nói chuyện với Putin đã được xem như biểu tượng quan hệ thân mật không khoảng cách giữa Moscow và Bắc Kinh.
Nhưng "Hiệp khách đảo", một tài khoản mạng xã hội công khai của tờ Nhân Dân nhật báo đêm 9/5 đăng bài bình luận, Tập Cận Bình và đội nghi trượng quân đội Trung Quốc xuất hiện ở Hồng Trường ngày 9/5 thực sự là một nước cờ hiểm, nhưng rất xứng đáng.
Tập Cận Bình đem quân diễu duyệt Hồng Trường với nhiều thâm ý
Trong cuộc duyệt binh ngày 9/5, Bắc Kinh đã phái đội ngũ "hoành tráng" nhất của mình tham dự. Khối diễu duyệt của quân đội Trung Quốc tham gia diễu binh có 112 lính do một Thiếu tướng dẫn đầu đội ngũ cơ động qua Quảng trường Đỏ, trên Chủ tịch đài ông Tập Cận Bình vẫy tay chào. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, một nhà lãnh đạo tối cao cùng quân đội nước này đồng xuất hiện trong một cuộc duyệt binh ở nước ngoài.
5 năm trước Nga cũng từng mời quân đội các nước Đồng minh trong Thế chiến II là Mỹ, Anh, Pháp tham gia duyệt binh tại Moscow, ngay cả Ba Lan có mối thâm thù vì sự kiện Katyn cũng phái quân sang Moscow "trợ hứng".
Nhưng lần duyệt binh này, các quốc gia trên đều tìm lý do để từ chối tham dự, nguyên nhân hầu như ai cũng biết đó là phản ứng với vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Trái ngược với sự lạnh nhạt của phương Tây, Trung Quốc tham dự duyệt binh với quy mô hoành tráng đã giúp Nga giữ được thể diện.
"Hiệp khách đảo" cho rằng, sở dĩ Trung Quốc giữ thể diện cho Nga trong cuộc duyệt binh lần này là vì biểu hiện bên ngoài, hai nước dường như đang nỗ lực chống lại một "kẻ thù" chung, đó là Hoa Kỳ. Vì cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đang lâm thế bí, các lệnh trừng phạt của phương Tây đến nay vẫn chưa dỡ bỏ cộng với giá dầu thế giới giảm sâu buộc Moscow phải tìm cách phá vòng vây.
Nhưng khi Nga thúc đẩy liên minh Kinh tế Á - Âu thì thiếu tiền, muốn khai phá Viễn Đông cũng thiếu tiền. Lúc này Nga tìm đến Trung Quốc. Trong khi chiến lược xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ được Bắc Kinh xem như nhằm "lôi kéo các nước láng giềng tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc" (?!), từ đó kiềm chế Trung Quốc. Bởi vậy "Hiệp khách hành" nói Nga, Trung đang chung "kẻ thù".
Tuy nhiên phụ trang của Nhân Dân nhật báo cho rằng, thách thức hay uy hiếp mà Nga phải đối mặt là rất thật và rất trực tiếp, trong khi không gian xoay sở của Moscow lại rất hạn chế. Còn đối với Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn khống chế được cục diện Biển Đông và Hoa Đông, còn lâu mới đến mức phải đối đầu như cuộc khủng hoảng Ukraine đã có lúc đứng trên bờ vực của nạn binh đao. Vì vậy, thách thức, lo ngại của Trung Quốc và Nga khác nhau về bản chất.
|
Tập Cận Bình và Putin thường xuyên "chụm đầu ghé tai" trao đổi trên lễ đài trong lễ duyệt binh 9/5.
|
Tâm lý, toan tính phức tạp của người Trung Quốc đối với Nga
Theo bình luận của "Hiệp khách đảo", tâm lý tình cảm "phức tạp" của dân Trung Quốc đối với quan hệ truyền thống Trung - Nga có thể chia thành 3 loại. Thứ nhất là tâm lý coi Nga là "anh cả". Tâm lý này có từ thời Liên Xô, nhưng khi Xô Viết giải tán thì tâm lý này ở Trung Quốc cũng tan theo mây khói, nó chỉ còn chút ít dấu vết trong ký ức của những người già khi họ nhớ về bài hát Kachiusa hay khúc dân ca Nga "Hoa mai đỏ nở".
Thứ hai là sự ngưỡng mộ tinh thần "dân tộc chiến đấu" của người Nga. Nhưng theo "Hiệp khách đảo", yếu tố này hiện nay không còn mang ý nghĩa ban đầu, thậm chí khi dân Trung Quốc nhắc đến nó còn có chút hàm nghĩa châm biếm, trào lộng.
Thứ 3 là tâm lý chống người Nga, một bộ phận dân Trung Quốc cho rằng "người lông lá", thuật ngữ người Hán dùng ám chỉ người Nga với ý nghĩa miệt thị, đã chiếm đất của họ trong Hiệp ước Nerchinsk ký giữa nhà Thanh với Nga mà họ cho là bất bình đẳng.
Tổng hợp tình hình quốc tế và trong nước nêu trên, "Hiệp khách đảo" cho rằng quyết định hiện diện của Tập Cận Bình tại Hồng Trường mang theo một đội quân danh dự là một nước cờ hiểm, nhưng rất đáng đồng tiền bát gạo.
Cái gọi là nước cờ hiểm được bài báo giải thích là "hiểm" ở chỗ Bắc Kinh đã cho phương Tây ấn tượng rằng người Trung Quốc đang ủng hộ Nga, "kẻ xâm lược" Ukraine theo cách gọi của phương Tây. Cuộc duyệt binh lần này, nhiều hãng truyền thông phương Tây xem như Nga đang "mượn cớ kiếm đồng minh", trong khi Trung Quốc thực sự không muốn điều đó.
Với Bắc Kinh, xác định quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" với Moscow là đủ, tuyệt đối không phải quan hệ đồng minh. Tháng trước, Tập Cận Bình khi tham dự kỷ niệm 60 năm hội nghị Bandung ở Indonesia đã nhấn mạnh 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, trong đó có không kết đồng minh. Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh hợp tác an ninh Trung - Nga không phải là kết đồng minh, không nhằm vào nước nào.
|
Việc ông Tập Cận Bình dẫn theo đội nghi trượng sang Moscow dự lễ duyệt binh mang nhiều thông điệp.
|
Còn về đối nội, phụ trang của Nhân Dân nhật báo nói rằng Trung Quốc cần giải thích, tuyên truyền cho người dân: Muốn "phục hưng Trung Hoa" thì người dân phải có một tâm thái lành mạnh, tích cực. Tâm lý đối với kẻ xâm lược trong lịch sử có thể kết tụ thành lòng yêu nước, nhưng cũng rất dễ tạo ra trào lưu bài ngoại cực đoan. Về điểm này dân Trung Quốc nên học người Nga.
Trung Quốc muốn "viết lại lịch sử", đòi chia sẻ vinh quang với người Nga
Mặt khác, sự hiện diện của Tập Cận Bình và đội nghi trượng Trung Quốc trong cuộc duyệt binh của Nga cũng là để "khôi phục vai trò bên thắng cuộc" của Trung Quốc trong Thế chiến II. Lâu nay dư luận quốc tế luôn coi chiến thắng chống phát xít là của người Nga mà quên mất phần Trung Quốc, Mỹ, Anh.
Chính phủ Quốc dân đảng đã cùng với Mỹ, Anh, Liên Xô hình thành nên trật tự quốc tế sau Thế chiến II, nhưng khi Quốc dân đảng tháo chạy sang Đài Loan, vai trò này đã bị quên lãng, "Hiệp khách đảo" lập luận.
Bởi vậy bắt đầu từ năm 2014, Trung Quốc ban hành luật mới xác lập 3 ngày kỉ niệm quốc gia, ngày 3/9 là ngày "kháng chiến chống Nhật thắng lợi", ngày Thảm sát Nam Kinh 13/12 và ngày Liệt sĩ 30/9.
Do đó việc Tập Cận Bình đưa theo đội nghi trượng sang Hồng Trường duyệt binh năm nay là sự chủ động tham dự các hoạt động kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít nhằm hướng tới việc hình thành nên ý thức dân tộc và "khôi phục vai trò" của Trung Quốc trong Thế chiến II.
Theo Hồng Thủy/Giáo dục Việt Nam