Video ông Donald Trump phát biểu sau chiến thắng ở cuộc bầu cử (Nguồn video CNN):
Theo tờ Politico, Nga đang giảm dần tần suất các cuộc tấn công quân sự ở Syria khi mà Tổng thống Bashar Assad cho rằng ông Donald Trump có thể là "đồng minh trời sinh" của quốc gia này. Mexico thì cho công bố bản kế hoạch 10 điểm nhằm bảo vệ công dân nước này sinh sống tại Mỹ. Trung Quốc đang soạn thảo một thỏa thuận thương mại mới nhằm thế chân Mỹ nắm giữ vị trí số 1 tại châu Á. Còn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang gấp rút chiêu mộ thêm binh lính để đối phó với vị Tổng thống Mỹ đắc cử khi cho rằng ông Trump là "người khùng".
Trong một thế giới chuyển động nhanh chóng, việc các nước quan tâm tới giai đoạn chuyển giao quyền lực của Tổng thống Obama và phán đoán những chính sách mà vị tân Tổng thống Mỹ sắp làm, được coi là chuyện đương nhiên.
|
Ông Donald Trump. |
Điều này đã được chứng minh trong quá khứ khi mà giai đoạn chuyển giao chính phủ tại Mỹ thường là khoảng thời gian náo động nhất trên thế giới cũng như các vấn đề trong nước và ngoại giao. Thậm chí, trong giai đoạn chuyển giao chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 1860 – 1861, nước Mỹ còn rơi vào nội chiến.
Theo tờ Politico, cuộc chuyển giao chiếc ghế trong Nhà Trắng của ông Trump lại khiến toàn thế giới "nhấp nhổm" bởi hai lý do. Thứ nhất, ông Trump xuất thân là một doanh nhân nên chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai chắc chắn sẽ khác với những người tiền nhiệm. Thứ hai, không ai có thể đoán trước được ông Trump sẽ làm gì khi chính thức nhậm chức Tổng thống. Thậm chí, một số nước cũng đã có phương án chuẩn bị cho những kịch bản có cả tình huống xấu nhất.
Ngay cả một cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump cũng thừa nhận các nhà hoạch định kế hoạch trong giai đoạn chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử đã nhận thức rõ được những bất ổn tiềm năng từ vài tháng qua. Do đó, họ đang cố gắng để ông Trump tạo lập mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới trước khi vị tỷ phú bất động sản chính thức nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1 tới.
"Triều Tiên, Trung Quốc đều quan tâm tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Họ đang nắm lấy cơ hội trong giai đoạn chuyển giao quyền lực tại Mỹ. Chúng tôi biết điều đó và đây là khoảng thời gian nhạy cảm", tờ Politico dẫn lời quan chức cố vấn an ninh quốc gia giấu tên của ông Trump.
Phản ứng của châu Á - Thái Bình Dương
Hôm 17/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gặp mặt trực tiếp Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sau ngày bầu cử 8/11. Thủ tướng Abe được cho đã yêu cầu ông Trump làm rõ quan điểm về mối quan hệ đối tác an ninh và thương mại giữa hai nước. Còn ông Trump được cho là không hài lòng với các thỏa thuận thương mại song phương đồng thời yêu cầu Tokyo tự phát triển vũ khí hạt nhân thay vì dựa dẫm quá nhiều vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ. Dù không công bố chi tiết nhưng sau cuộc họp bàn, Thủ tướng Abe cho biết: "Ông Trump là nhà lãnh đạo mà tôi có thể tin tưởng".
|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gặp mặt ông Trump sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. |
Song nhiều khả năng thỏa thuận thương mại Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Tổng thống Obama khởi xướng, cũng sẽ bị ông Trump phản đối thông qua. Tuy nhiên, các nước châu Á đã nhanh chóng có hành động thích nghi. Điển hình, Trung Quốc được cho là sẽ tận dụng hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Peru từ ngày 19/11 để đề xuất một hiệp ước thương mại riêng cho khu vực châu Á. Ngay cả Thủ tướng Abe cũng cho rằng thỏa thuận thương mại do Trung Quốc đứng đầu sẽ nhiều khả năng được thông qua nếu như ông Trump tiếp tục phản đối thỏa thuận TPP như đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, chiến thắng của ông Trump dường như lại nhận được sự vui mừng từ phía Nga bởi Tổng thống đắc cử Mỹ từng nhấn mạnh muốn hạ nhiệt căng thẳng và xây dựng quan hệ với Moscow.
Hôm 14/10, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay trước một ngày Nga triển khai đợt tấn công mới ở Syria, nơi Moscow hỗ trợ trên không cho các lực lượng quân chính phủ của Tổng thống Assad chống lại lực lượng nổi dậy được Mỹ chống lưng. Chia sẻ với truyền thông Bồ Đào Nha, Tổng thống Assad nhấn mạnh ông Trump có thể là "đồng minh trời sinh cùng với Nga và Iran" nếu như ông Trump cùng mục tiêu tiêu diệt khủng bố. Điều quan trọng là đối với Tổng thống Assad, bất cứ nhóm vũ trang đối lập nào ở Syria cũng đều bị coi là khủng bố.
Theo giáo sư Nikolas Gvosdev tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, việc tăng cường hoạt động quân sự ở Syria cho thấy "Nga muốn 'kết thúc' ở Syria để mở đường cải thiện quan hệ Nga – Mỹ khi ông Trump chính thức nhậm chức vào tháng 1/2017".
Cũng trong tuần này, Nga đã thông báo rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế, tổ chức ra phán quyết về các tội nghiêm trọng như diệt chủng và tội ác chống nhân loại sau khi Liên Hợp Quốc cáo buộc Moscow xâm chiếm Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea. Nga còn muốn ông Trump chấm dứt lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu đã áp đặt với Moscow liên quan tới các hành động quân sự ở Ukraine. Và cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Trump phần nào mở ra cơ hội cho Nga thuyết phục vị Tổng thống Mỹ đắc cử.
Tuy nhiên, hôm 17/11, phát ngôn viên đại sứ quán Nga ở Washington phủ nhận thông tin cho rằng kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đã ảnh hưởng tới hành động của Moscow như tại Syria
Còn trong cuộc gặp cuối cùng ở Berlin hôm 17/11 với người đồng cấp Đức Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống Obama đã hối thúc ông Trump đứng trên lợi ích nước Mỹ mà phản đối các hành động sai phạm của Nga đặc biệt ở Syria.
“Tôi mong rằng ông ta không thực thi một chính sách thực dụng và nói rằng Mỹ nên hợp tác với Nga, cho dù điều đó khiến người dân Mỹ và một số nước bị tổn thương, cho dù điều đó trái với lẽ thường hay cho dù nó khiến những nước nhỏ bị ảnh hưởng xấu và tạo nên những vấn đề lâu dài tại những quốc gia như Syria”, ông Obama nói.
Phản ứng của châu Âu, châu Mỹ
Trong khi đó phần lớn các nước châu Âu đều có chung nhận định việc ông Trump đắc cử là điềm báo xấu.
|
NATO lo ngại ông Trump từ bỏ các cam kết của Mỹ với khối này. |
Tạp chí Foreign Policy đưa tin trong tuần này, phái đoàn châu Âu đã gặp gỡ một cộng sự thân tín của ông Trump để thuyết phục Tổng thống đắc cử giữ nguyên các cam kết của Mỹ với NATO cũng như ủng hộ quan điểm chống Nga và giữ nguyên thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Và dường như Mexico là quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất khi ông Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ bởi vị tỷ phú bất động sản nhiều lần tuyên bố tái xem xét "Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ" cũng như tiến hành trục xuất số lượng lớn người người nhập cư và xây một bức tường ngay tại biên giới Mỹ - Mexico để ngăn chặn làn sóng di cư ồ ạt.
Đây là lý do hôm 16/11, chính phủ Mexico đã cho công bố bản kế hoạch 11 điểm bao gồm việc kích hoạt 1.800 đường dây điện thoại hoạt động 24/24 giờ nhằm giải đáp các câu hỏi liên quan tới luật nhập cư cho các công dân Mexico ở Mỹ. Thậm chí, chính phủ Mexico còn hứa hẹn "tăng cường mối quan hệ giữa quốc gia này với các tổ chức nhân quyền".
"Tại Mexico, chúng tôi sẽ có hành động chiến lược và đảm bảo quyền lợi quốc gia. Quyền của người Mexico tại Mỹ cũng luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", Thứ trưởng phụ trách Bắc Mỹ, ông José Paulo Carreño King nói.
Chống khủng bố
Một trong những chính sách ngoại giao mà ông Trump chắc chắn sẽ thi hành đó là cuộc chiến chống khủng bố bởi ông Trump từng hứa "dội bom cho IS tan tành". Khi được yêu cầu làm rõ kế hoạch chống IS, ông Trump khẳng định ông không muốn tiết lộ bí mật cho kẻ thù. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Obama đã đứng đầu một liên minh quân sự để tiến hành các cuộc tấn công cũng như ném bom tiêu diệt mạng lưới khủng bố IS ở Iraq và Syria.
Tuy nhiên, những lời lẽ lên án mạnh mẽ cũng như kêu gọi cấm người Hồi giáo tới Mỹ của ông Trump đã trở thành động lực để tổ chức khủng bố này mở rộng mạng lưới chiêu mộ thêm binh sĩ. Hiện tại, các chi nhánh của IS đã có mặt ở cả Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.
"Ông ta (Trump) thật sự là kẻ khùng. Những lời lẽ cay độc của ông ta nhằm vào người Hồi giáo lại đang giúp chúng tôi dễ dàng chiêu mộ hàng ngàn binh sĩ", Abu Omar Khorasani, một thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố IS ở Afghanistan chia sẻ với Reuters mới đây.
Còn theo ông Ivo Daalder, chủ tịch Hội đồng đối ngoại Chicago cho rằng bên cạnh hàng loạt kế hoạch đối phó với những tình huống xấu nhất, nhiều quốc gia đang cố gắng hiểu bản chất con người đầy mâu thuẫn của ông Trump.
"Phần lớn các nước đang chờ những tuyên bố đầu tiên của ông Trump để dự đoán chính quyền của vị tân Tổng thống Mỹ sẽ hướng tới quốc gia nào. Một số nước cũng hy vọng sau khi ông Trump nhậm chức, các chính sách sẽ không mang tính khiêu chiến như trong chiến dịch tranh cử", ông Daalder nhận định.
Theo Minh Thu/Infonet