Ông Putin suy tính gì từ khủng hoảng Ukraine?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều người tin rằng, Tổng thống Nga Putin chắc chắn không buông Ukraine, để "con át chủ bài" ngả vào vòng tay phương Tây vì ông có những động cơ và mục tiêu rõ ràng.

Động cơ
- Phương Tây luôn lừa dối Nga
Một điều khiến Tổng thống Nga Putin giận dữ chính là cảm giác bị phương Tây “xỏ mũi”, lừa dối. Minh chứng đầu tiên là Libya năm 2011, Moscow khi đó bị phương Tây thuyết phục để không phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc thiết lập vùng cấm bay tại Libya nhằm bảo vệ dân thường. Nghị quyết này đã mở đường cho sự can thiệp quân sự của NATO vào Libya dẫn đến sự thay đổi chế độ và cái chết của nhà lãnh đạo đất nước Bắc Phi, Muammar Gaddafi. Điều này rõ ràng vượt xa ngoài sự dự liệu của Nga. Đây chính là lời giải thích lý do tại sao Nga nhanh chóng phủ quyết nghị quyết tương tự về Syria.
Tương tự đối với Ukraine, Tổng thống Putin dường như cho rằng, phương Tây đã lừa ông. Tháng trước, Tổng thống Putin đã cử phái viên tới Kiev tham gia vào cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình giữa Tổng thống Viktor Yanukovych và phe đối lập để chấm dứt khủng hoảng Ukraine được Đức, Pháp và Ba Lan "môi giới". Nội dung của thỏa thuận bao gồm cải cách hiến pháp, tổ chức bầu cử sớm và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
 Các phe ở Ukraine đạt được thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng. Từ trái qua phải là thủ lĩnh Vitalii Klitschko của Đảng Udar, thủ lĩnh Oleh Tyagnybok của Đảng Svoboda, Tổng thống Viktor Yanukovych và thủ lĩnh Arseniy Yatsenyuk của Đảng Batkivcshchyna. Ảnh AFP.
Đại diện của Điện Kremlin không ký vào thỏa thuận song Nga dường như xem đây là giải pháp tốt nhất trong tình hình tồi tệ hiện tại. Tuy nhiên, ngay sau đó, thỏa thuận đã ký trở thành mớ giấy lộn. Chưa đầy 24 giờ sau, Quốc hội Ukraine ra quyết định bãi nhiệm Tổng thống Yanukovych và bổ nhiệm một nhân vật khác thuộc phe đối lập lên thay. Tổng thống Yanukovych chạy trốn khỏi Kiev, phe đối lập thân phương Tây thành lập chính phủ mới ở Ukraine bao gồm toàn những lãnh đạo biểu tình… Tốc độ của chuỗi sự kiện ở Ukraine đã khiến Moscow hoàn toàn bị bất ngờ.
- Phương Tây âm mưu chống lại Nga
Trong tâm trí của Tổng thống Nga Putin, các cường quốc phương Tây đang ngày đêm âm mưu gây mất ổn định Nga. Ông Putin “khắc cốt ghi tâm” cuộc Cách mạng Hoa hồng ở Georgia năm 2003; cuộc Cách mạng Cam ở Kiev năm 2004. Nga cáo buộc phương Tây đứng đằng sau dàn dựng toàn bộ các kế hoạch.
Từ đó, Điện Kremlin liên tục cáo buộc phương Tây tài trợ và kích động các cuộc biểu tình đường phố chống Nga. Mới đây nhất, Nga cáo buộc Mỹ và Liên minh châu Âu can thiệp vào Ukraine trong nhiều tháng để giành các lợi ích địa chính trị.
 Tổng thống Putin nhiều lần cáo buộc phương Tây âm mưu chống Nga.
Tổng thống Putin hôm 4/3 cáo buộc, việc Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu đơn giản đã bị phương Tây vin vào, lấy làm cái cớ để kích động phe đối lập “náo loạn” Ukraine lật đổ chính phủ, giành lấy quyền lực. “Đây không phải là lần đầu tiên phương Tây làm như thế này với chúng tôi”.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Kommersant, ông chủ Điện Kremlin mạnh mẽ cáo buộc, “họ lừa dối chúng ta một cách trắng trợn”.
Việc một chính phủ thân phương Tây được thành lập ở Kiev có nghĩa là Ukraine trong tương lai sẽ gia nhập vào ngôi nhà chung NATO. Dễ hiểu, Nga cảm thấy điều này sẽ trở thành mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia nước này.
Ngoài ra, đối với Tổng thống Putin, những lời tố cáo và lên án của phương Tây về sự can thiệp vũ trang của Nga vào bán đảo Crimea (Ukraine) những ngày này được cho là hành động đạo đức giả. Ông không ngừng nhắc nhở cả thế giới về sự can thiệp của Mỹ và các đồng minh phương Tây của nước này tại Iraq, Libya và Afghanistan.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007, ông Putin lên án “một trật tự thế giới đơn cực”, trong đó, Mỹ là bá chủ toàn cầu. Ông tuyên bố, Moscow sẽ bảo vệ lợi ích của mình trên toàn thế giới – có thể tại Syria, nhưng đặc biệt là sát sườn Nga, Ukraine.
Trong khi đó, các nước châu Âu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu năng lượng của Nga và được hưởng lợi từ các quan hệ thương mại với Moscow. Do đó, ông Putin suy tính, các đối thủ ở phương Tây sẽ không dám mạo hiểm cắt đứt quan hệ với Nga.
Mục tiêu cuối cùng
Tổng thống Putin nhiều lần tuyên bố, ông không muốn gây chiến với người Ukraine. Ông tuyên bố, sự can thiệp của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine là “hành động nhân đạo” để bảo vệ người dân, đặc biệt là người nói tiếng Nga khỏi “tình trạng hỗn loạn”.
Tuy nhiên, đảm bảo các lợi ích quốc gia của Nga cũng là sứ mệnh quan trọng và không thể phủ nhận, là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Putin. Do đó, ông nhất định sẽ tìm mọi cách để đảm bảo rằng, chính phủ mới ở Kiev sẽ không thể trục xuất Hạm đội Biển Đen khỏi Crimea và sẽ phải suy nghĩ 2 lần trước khi xa lánh Nga, ngả về phương Tây.
Bạch Dương (theo BBC, Reuters)