Ông Tập Cận Bình muốn là người kế thừa Đặng Tiểu Bình

Google News

(Kiến Thức) - Ông Tập Cận Bình muốn được nhớ đến như là người kế thừa con đường cải cách cùng "Giấc mơ Trung Hoa" của ông Đặng Tiểu Bình.

Ông Tập Cận Bình muốn được nhớ đến như là người kế vị xứng đáng của nhà cải cách Đặng Tiểu Bình bằng cách đưa Trung Quốc theo con đường cải cách, theo báo Hoa ngữ Want Daily.
Ông Đặng Tiểu Bình - người đã qua đời vào năm 1997 - được coi là "kiến trúc sư trưởng của cải cách và mở cửa tại Trung Quốc " bởi những nỗ lực của ông trong việc khơi mào sự chuyển mình của Trung Quốc những năm 1970 sau cái chết của ông Mao Trạch Đông.
Ông Tập Cận Bình đặt vòng hoa tại tượng đài Đặng Tiểu Bình năm 2012 
Để kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đặng Tiểu Bình vào ngày 20/8, Trung Quốc đã tổ chức một buổi lễ lớn tại Bắc Kinh tham dự của ông Tập Cận Bình và tất cả sáu thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan có thẩm quyền lớn nhất của Trung Quốc. Tại sự kiện này, ông Tập Cận Bình đã lặp đi lặp lại một số câu khẩu hiệu nổi tiếng của ông Đặng Tiểu Bình, trong đó có "tìm kiếm sự thật từ thực tế", "chủ nghĩa xã hội mang đặc thù Trung Quốc", cũng như "thực hiện đổi mới với tinh thần người tiên phong," một lời kêu gọi kết hợp sự sáng tạo với sự chăm chỉ để đẩy mạnh sự phát triển của đất nước.
Ông Tập Cận Bình cũng đả kích thảm họa Cách mạng Văn hóa kéo dài cả thập kỷ được bắt đầu bởi Mao Trạch Đông, và nói thêm rằng một trong những đóng góp lịch sử của Đặng Tiểu Bình là "hoàn toàn phủ nhận những lý thuyết và thực hành sai lầm của cuộc Cách mạng Văn hóa."
Cùng ngày, Nhân dân Nhật Báo đăng một bài báo dài nói về sự cần thiết của cải cách và mở cửa chiến lược của Đặng Tiểu Bình, và nhấn mạnh rằng ông Tập Cận Bình đang theo con đường đó.
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 10/2012, cuộc chiến chống tham nhũng khổng lồ, những chiến dịch ở cấp cơ sở và sự tập trung quyền lực của Tập Cận Bình khiến một số người nghĩ rằng ông có ý định đưa Trung Quốc trở lại với chủ nghĩa Mao, nhưng sự thực là ông muốn được nhớ đến như một người kế vị của Đặng Tiểu Bình.
Ông Tập Cận Bình và ông Đặng Tiểu Bình chia sẻ một tầm nhìn tương tự - một niềm tin vững chắc vào cải cách và sự thừa nhận gánh nặng của lịch sử, và cả hai ôm "Giấc mơ Trung Hoa" hướng tới xây dựng một nước Trung Quốc mới. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi vào ngày 7/12/2012, ngay sau khi nhậm chức Tổng Bí thư, Tập thực hiện một chuyến đi đặc biệt tới tượng đài của Đặng Tiểu Bình ở Thâm Quyến để đặt xuống đó một vòng hoa tưởng niệm.
Ông Tập Cận Bình đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng ông dự định tiếp tục cải cách sâu sắc, và đã cho thấy rằng ông có kế hoạch để thúc đẩy chiến lược phân quyền của ông Đặng Tiểu Bình bằng cách cho phép tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, giao thông vận tải và quân sự mà chính phủ kiểm soát.
Ông Tập Cận Bình được cho là người đánh giá cao vai trò của Đặng Tiểu Bình trong việc đưa Trung Quốc vào con đường trở thành một cường quốc thế giới, và sẽ không bao giờ muốn quay trở lại với một Trung Quốc Mao Trạch Đông, nhất là khi chính Cách mạng Văn hóa đã chấm dứt việc học trung học của ông và buộc ông về làm việc ở nông thôn vì cha ông bị khai trừ và tống giam.
Cũng cần lưu ý là ông Đặng Tiểu Bình cũng từng phát ngôn thể hiện tư tưởng bành trướng, bá quyền như: "Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học" cũng như phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979. Tháng 5/2014, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc cũng đã hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam khiến căng thẳng tăng cao ở Biển Đông. Cả 2 sự kiện trên đều được đánh giá là giúp Trung Quốc đánh lạc hướng dư luận trong nước ra khỏi những vấn đề của nước này.
Quang Nguyên