Ông Tập Cận Bình quyết đánh cả “hổ” về hưu

Google News

(Kiến Thức) - Việc TBT Tập Cận Bình tiến hành điều tra cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang là bước táo bạo nhất trong chống tham nhũng ở Trung Quốc.

 Chu Vĩnh Khang, 70 tuổi, cựu Ủy viên Thường vụ BCT và cựu Bí thư phụ trách Ủy ban Chính pháp, cơ quan thực thi pháp luật cao nhất Trung Quốc.
Ba nguồn tin của Duowei cho biết hồi đầu tháng 8/2013, TBT Tập Cận Bình Xi đã đạt được một sự đồng thuận với 6 thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị ĐCS TQ, cơ quan ra quyết định cao nhất của Trung Quốc, để điều tra Chu Vĩnh Khang, 70 tuổi, một cựu Ủy viên Thường vụ BCT và cựu Bí thư phụ trách Ủy ban Chính pháp, cơ quan thực thi pháp luật cao nhất Trung Quốc. Quyết định này cũng được cho là có sự hậu thuẫn của các vị “trưởng lão” trong đảng.
Cơ quan lỷ luật của đảng đã hạn chế việc đi lại của ông Chu Vĩnh Khang, trong quá trình thu thập chứng cứ và chờ thời điểm thích hợp để công bố việc điều tra.
Hồi đầu năm nay, TBT Tập Cận Bình tuyên bố rõ rằng ông sẽ kiên quyết trấn áp tham nhũng và sẽ điều tra mọi quan chức tham nhũng, bất kể họ là "ruồi" hay “hổ" trong hệ thống đảng. Ông Tập Cận Bình được cho là đã làm việc chặt chẽ với Ủy viên thường vụ BCT kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn về trường hợp của Chu Vĩnh Khang, một nhân vật không chỉ “dính” vào các vụ tham nhũng lớn.
Chu Vĩnh Khang có ảnh hưởng to lớn trong lĩnh vực dầu mỏ của Trung Quốc và từng cầm đầu bộ máy an ninh hùng mạnh. Việc điều tra Chu Vĩnh Khang sẽ là một “chiếc thòng lọng” siết vào cổ một loạt quan chức tham nhũng lạm dụng chức quyền. Có tin nói các cơ quan hữu trách đã có trong tay một danh sách khá dài.
Những hậu quả chính trị của việc truy tố Chu Vĩnh Khang xem ra còn có thể vượt xa vụ cựu Ủy viên BCT và cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai – người sắp bị đem ra xét xử với các tội danh nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực.
Một nguồn thạo tin ở Trung Quốc cho biết, cuộc điều tra sơ bộ vào các hoạt động tham nhũng của Chu Vĩnh Khang đã được bắt đầu trước Đại hội 18 ĐCS TQ, một đại hội kết thúc với việc ông Chu Vĩnh Khang lặng lẽ về hưu.
Mặc dù ông Chu Vĩnh Khang đã xoay xở để “hạ cánh an toàn” tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào tháng 11 năm ngoái, các cáo buộc tham nhũng chống lại ông vẫn tồn tại dai dẳng. Một số nhà quan sát chính trị cho rằng hồi kết sắp sửa xảy đến với nhân vật từng là một trong những lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc này.
Phương tiện truyền thông ở Hong Kong cũng cho biết doanh nhân Ngô Bình (người Tứ Xuyên) đã bị bắt vào ngày 2/8 quyền trong khi đang chạy trốn ở Bắc Kinh. Ông Ngô được cho là người tin cẩn của ông Chu Bân, con trai ông Chu Vĩnh Khang, và được đồn đại là người quản lý gia sản của gia đình họ Chu ước tính trị giá hàng tỷ USD. Chu Bân sử dụng ảnh hưởng của cha để gây dựng tài sản thông qua các hợp đồng kinh doanh với những công ty, cơ quan nơi cha ông từng làm việc.
Các nguồn tin cho hay Chu Bân đã rời Trung Quốc đến Hong Kong, Singapore và Malaysia trong thời gian diễn ra Đại hội đảng vào tháng 11 năm ngoái và hai kỳ họp của Quốc hội và Chính hiệp vào tháng 3 năm nay. Đây được xem là những thời điểm nhạy cảm nhất về chính trị tại Trung Quốc. Người ta hiện không rõ ông Chu Bân đang ở đâu.
Giới quan sát chính trị từng cho rằng Chu Vĩnh Khang từng được coi là "bất khả xâm phạm", trên cương vị Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị phụ trách an ninh. Tuy nhiên sau vụ Ủy viên Bộ chính trị Bạc Hy Lai bị khai trừ khỏi đảng, chiếc ghế của “đồng minh” Chu Vĩnh Khang đã bị lung lay dữ dội.
Việc Chu Vĩnh Khang sắp bị truy tố cho thấy không có chuyện “hạ cánh an toàn” đối với giới tham quan Trung Quốc về hưu.
Lê Chân (theo WantChinaTimes)