Phân tích động cơ TQ lập Hội đồng An ninh quốc gia

Google News

(Kiến Thức) - Quyết định thành lập Hội đồng An ninh quốc gia cho thấy những thách thức an ninh, mà ban lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt.

"Việc hội nghị Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc ngày 12/11 ra quyết định thành lập Hội đồng An ninh quốc gia cho thấy những thách thức an ninh mà ban lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt", ông Andrei Karneev, chuyên gia Nga về các vấn đề Trung Quốc chia sẻ nhận định với Đài Tiếng nói nước Nga.
 
Trung Quốc lên kế hoạch thành lập một cơ cấu tương đương vào những năm 1990, theo mô hình Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, những người tiền nhiệm của Chủ tịch Tập Cận Bình là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều không kịp thực hiện ý tưởng được đề ra. Có lẽ là do công việc này đòi hỏi những nỗ lực chính trị rất lớn. Quyết định lập Hội đồng An ninh Quốc gia động chạm tới toàn bộ chính sách đối ngoại cũng như khối công lực, bao gồm cả các lãnh đạo của lực lượng vũ trang.
Tình hình chính trị ngoại giao phức tạp đã hối thúc Trung Quốc khôi phục ý tưởng thành lập Hội đồng An ninh. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng, những yếu tố bất ổn định trong chính sách đối ngoại Trung Quốc ngày càng trở nên rõ rệt. Điều này được phản ánh bởi những căng thẳng nảy sinh trong quan hệ với các nước khác, cũng như mối đe dọa nổi bật từ các hoạt động khủng bố, buôn bán ma túy và tội phạm xuyên biên giới. Leo thang tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản đã bộc lộ nguy cơ sự kiện bạo loạn phát sinh từ vấn đề đối ngoại. Trong phong trào bài Nhật mùa Thu năm 2012, loạt quan sát viên đã không khỏi hoài nghi về khả năng hoàn toàn kiểm soát của chính phủ Trung Quốc.
Thông cáo của Hội nghị TƯ đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh rằng, mục tiêu của Hội đồng An ninh là “cải thiện cơ chế và chiến lược an ninh quốc gia”. Ông Andrey Karneev, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Á - Phi thuộc Đại học Tổng hợp Moscow cũng cho biết, đề nghị thành lập Hội đồng An ninh được nhắc tới trong thông cáo sau khi nêu lên những nhiệm vụ "nâng cấp trình độ quản lý xã hội”, tạo "hệ thống hiệu quả đề phòng và giải quyết các mâu thuẫn xã hội”. 
Theo chuyên gia Nga này, điều này cho thấy nhiệm vụ nổi bật của cơ chế mới sẽ là bảo đảm sự ổn định trong nước.
“Không có gì bí mật là những năm gần đây, hệ thống duy trì ổn định của Trung Quốc đã bị lên án, chỉ trích. Cơ chế nhằm dập tắt những tình huống gay gắt đã không có khả năng hoạt động hiệu quả trong mọi trường hợp, do ưu tiên sử dụng các biện pháp đàn áp, trong khi cần thiết hiểu rõ tình hình, tìm ra nguyên nhân gây biểu tình: một vấn đề môi trường, vụ thu giữ đất đai của nông dân hay trường hợp lạm dụng quyền lực", ông Andrey Karneev nói.
Xuất hiện từ lâu các dấu hiệu cho thấy nhà chức trách Trung Quốc không bằng lòng với khả năng phối hợp bảo đảm an ninh nội bộ. Tiếng chuông cảnh báo gần đây nhất là vụ khủng bố giữa trung tâm Bắc Kinh – quảng trường Thiên An Môn, là một sự kiện chưa từng có trước đây. Tất nhiên, không thể nói rằng, vụ việc đã trở thành lý do lập Hội đồng An ninh, nhưng là một ví dụ rõ ràng cho thấy thất bại nghiêm trọng của bộ máy công lực bị phân tách.
Cấu trúc Hội đồng An ninh phản ánh mong muốn của Đảng Cộng sản Trung Quốc: mạnh dạn xây dựng cơ chế sẽ ra các quyết định liên quan tới sự tồn tại quyền lực chính trị trong nước. Điều khá tò mò là ai sẽ lãnh đạo cấu trúc mới? Người này hẳn phải là nhân vật giữ chức vị cấp cao, bởi Hội đồng sẽ giám sát phối hợp hoạt động của loạt cơ quan như Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.
Nhiều khả năng ông Tập Cận Bình sẽ trực tiếp chỉ đạo Hội đồng An ninh, một cơ cấu đảng-nhà nước như Quân ủy Trung ương hiện nay. Cơ quan mới tạo điều kiện liên lạc thuận lợi với các đối tác tương đương ở nước ngoài như Hội đồng An ninh Nga, tồn tại từ năm 1992.
Hoàng Hoa (theo RUVR)