Phản ứng bạo lực của gã khổng lồ “bị tổn thương”

Google News

Việc thế giới ngày càng ít người quan tâm đến những gì mà nước Mỹ “nói và làm” đang kích thích Washington thiên về sử dụng vũ lực.

Tổng thống Obama đang đối mặt với tình trạng vị thế của Mỹ trên thế giới ngày càng bị xói mòn do các đối thủ ngày càng mạnh lên.
Theo giáo sư Rosa Brooks tại Đại học Georgetown và từng là cố vấn chính sách cho Bộ Quốc phòng (2009-2011) và cũng là cố vấn cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ, nước Mỹ đã trở thành một “gã khổng lồ bị thương” dần suy yếu, nhưng vẫn còn đủ mạnh để gây đau khổ cho rất nhiều người trên thế giới.
Bất lực
Không làm gì cả khi cuộc nội chiến ở Syria đang diễn ra? Những người chỉ trích sẽ cho rằng nước Mỹ yếu đuối, thiếu tầm nhìn chiến lược, thờ ơ với những đau khổ mà người dân Syria đang phải hứng chịu.
Nếu hành động quân sự ở Syria? Các nhà phê bình sẽ nói Mỹ thiếu thận trọng, không có tầm nhìn chiến lược, không quan tâm đến đau khổ của người dân Syria khi can thiệp quân sự.
Hy vọng về "Mùa xuân Arập" của Mỹ đã thực sự tiêu tan, trong khi chiến dịch chống al-Qaeda và kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan đang trở nên vô vọng.
Mỹ đã thất bại trong việc “tái khởi động” quan hệ với Nga và chiến lược “xoay trục” sang Châu Á dường như đang chết yểu. Nhìn trước ngó sau, người ta thấy không có mấy ai ủng hộ chính sách đối ngoại hiện nay của Tổng thống Obama.
Tuy nhiên, ông Obama không hoàn toàn có lỗi. Ông đã bị đe doạ bởi những thay đổi trong cấu trúc quyền lực toàn cầu, bị cản trở bởi sự bất mãn của người dân Mỹ khi đối mặt với “sự thật mất lòng” và phải miễn cưỡng nói với người Mỹ về những nghĩa vụ đạo đức đối với thế giới mà họ không muốn nghe.
Cái thời một mình thao túng thế giới đã qua
Mỹ là một cường quốc đang suy yếu. Châu Âu mặc dù hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn là một thực thể lớn mạnh. Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đang đóng vai trò lớn hơn bao giờ hết trên vũ đài thế giới. Và Nga vẫn còn đủ mạnh để có một tiếng nói quan trọng trong các vấn đề nổi lên toàn cầu. Thực sự, Mỹ vẫn là quốc gia mạnh nhất thế giới, nhưng sức mạnh tương đối của nó đang giảm đi khi các quốc gia khác gia tăng sức mạnh về chính trị-kinh tế.
Mỹ đã làm rối tinh lên mọi việc, bị mất cả uy tín và đạo đức sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 (tra tấn xét xử những người tình nghi là những tên khủng bố tại các nhà tù bí mật); tốn hàng trăm tỷ USD vào các cuộc chiến tranh trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây mà không đem lại kết quả khả quan. Những chính sách chống khủng bố gần đây của Mỹ (máy bay không người lái, chương trình giám sát của Cơ quan An ninh Quốc gia...) cũng đã chọc giận cả những đồng minh thân cận nhất.
Tình hình trong nước thì không thiếu những khó khăn: Cơ sở hạ tầng bung bét, hệ thống giáo dục công suy yếu, tỷ lệ người dân bị theo dõi cao nhất trên thế giới, thanh niên thì quá béo để đi nghĩa vụ quân sự... Chưa kể đến hệ thống chính trị đang bị chia rẽ và sự đấu đá giữa hai đảng tại Capitol Hill khiến cho người ta khó có thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra.
Mỹ không còn khả năng “nhào nặn” thế giới theo ý mình như trước đây. Các quốc gia từng phải ve vãn Mỹ giờ không gặp nhiều khó khó khăn để tìm kiếm sự chấp thuận hoặc thỏa thuận với Mỹ. Đồng minh của Mỹ vẫn lịch sự, nhưng chỉ vừa đủ, còn các nước chống Mỹ thì sẵn sàng chọc tức một cách công khai mà không sợ bị trừng phạt.
Chắc chắn, mọi người vẫn vui vẻ lấy tiền tài trợ của Mỹ. Nhưng sự giàu có của Mỹ không còn mua được nhiều ảnh hưởng. Quân đội Ai Cập đã nhận 1,3 tỷ USD của Mỹ mỗi năm, nhưng Cairo khẳng định có thể tồn tại mà không cần sự viện trợ của Mỹ. Một số nước khác như Afghanistan thì vừa nhận tiền viện trợ, vừa thường xuyên lên tiếng tố cáo Mỹ.
Vẫn còn đó sức mạnh hủy diệt
Mỹ đã trở thành một gã khổng lồ bị thương, đang dần suy yếu nhưng vẫn còn đủ mạnh để làm tổn thương rất nhiều người trên thế giới. Mỹ vẫn sở hữu sức mạnh hủy diệt lớn. Khi thế giới mà ngày càng ít quan tâm đến những gì nước Mỹ nghĩ hoặc thậm chí không cần tiền của Mỹ, điều này sẽ càng kích thích Washington dựa vào vũ lực.
Quay lại năm 2001, Mỹ lật đổ Taliban trong một vài tuần. Năm 2003, quân đội Mỹ đã đẩy lực lượng của Saddam Hussein ra khỏi Baghdad trong thời gian ngắn tương tự. Đến năm 2011, Mỹ làm tê liệt quân đội của đại tá Muammar Gaddafi trong một chiến dịch không kích chớp nhoáng. Vì vậy, Mỹ có thể dạy cho Tổng thống Syria Assad một bài học như ông Obama đã từng nói và có thể không kích phá hủy các cơ sở vũ khí hóa học của Syria.
Tuy nhiên, dùng tên lửa hành trình đánh phá lực lượng của Tổng thống Assad sẽ không biến Syria thành một nền dân chủ ổn định. Mỹ cũng không thể kết thúc cuộc nội chiến tại đất nước Trung Đông này. Như lời Tướng Martin Dempsey, Tổng tham mưu trưởng Liên quân viết trong bức thư gửi Quốc hội Mỹ ngày 19/8: “Sử dụng lực lượng quân sự có thể thay đổi cán cân quân sự, nhưng nó không thể giải quyết những vấn đề dân tộc, tôn giáo cơ bản và lịch sử - nguồn gốc của cuộc xung đột này. Cuộc chiến tranh giành quyền lực ở Syria sẽ vẫn tiếp tục, nếu Tổng thống Assad bị đánh bại”.
Theo Báo Tin tức