Chỉ có điều, phiến quân IS có thể có một mục tiêu khác ở Libya, khi nó cho nổ tung các bồn chứa dầu, phương tiện vận chuyển và các cơ sở lọc dầu dọc theo Địa Trung Hải.
|
Phiến quân IS tăng cường triệt phá các cơ sở dầu mỏ ở Libya.
|
Ngăn cản sự ra đời của chính phủ đoàn kết dân tộc
Phiến quân IS đã triệt để lợi dụng tình trạng đấu đá nội bộ kéo dài bốn năm qua giữa hai “chính phủ” đối địch làm suy yếu nhà nước tập quyền ở Libya và ngăn cản sự ra đời của một chính phủ đoàn kết dân tộc mới.
Có lẽ sau này, nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo cũng sẽ ráo riết khai thác dầu mỏ Libya. Nhưng hiện thời, mục đích chính của IS là biến Libya thành một “quốc gia thất bại”, chia năm xẻ bảy.
Chuyên gia về Bắc Phi Frederic Wehrey của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington nói: "Nhà nước Hồi giáo ở Libya sẽ bị lâm nguy, nếu chính phủ đoàn kết dân tộc có thể đứng vững trên đôi chân của mình và bắt đầu tiến hành bảo đảm an ninh. Chính vì vậy mà IS tìm cách cắt nguồn tiền để xây dựng và củng cố chính phủ đoàn kết mới ở Libya”.
Ông Wehrey không cho rằng phiến quân IS có thể nhanh chóng biến hạ tầng cơ dầu mỏ Libya thành một trong những nguồn thu chính. Ông nói thêm: "Tôi không thiên về lập luận rằng IS có thể nhanh chóng chuyển đổi các cơ sở dầu mỏ này thành nguồn thu quan trọng. Nhưng việc làm gián đoạn các cơ sở dầu mỏ luôn là một phần quan trọng trong chiến lược (của IS)”.
Phiến quân IS đã tăng cường tấn công cơ sở dầu mỏ Libya, kể từ khi hai phe phái chính trị lớn của đất nước đồng ý thành lập chính phủ thống nhất vào giữa tháng 1/2016. Chính phủ đoàn kết dân tộc được hỗ trợ của các lực lượng an ninh trung thành có thể giành lại quyền kiểm soát của các cơ sở dầu mỏ của Libya và xuất khẩu dầu mỏ trở lại.
Đó có thể là chính những gì mà phiến quân IS đang cố gắng ngăn chặn.
Tuần trước, phiến quân IS đã tấn công hai thành phố cảng Es Sider và Ras Lanuf, bắn cháy 5 bể chứa dầu lớn, trong khi nhiều bom xe phát nổ tại trạm kiểm soát bên ngoài các mỏ dầu nhằm ngăn chặn việc tiếp cận các cơ sở dầu mỏ của Libya.
Sản lượng dầu của Libya trong năm 2015 tụt xuống chỉ bằng ¼ sản lượng 1,65 triệu thùng/ngày trước khi Đại tá Muammar Qaddafi bị lật đổ vào năm 2011.
Chiến lược "quốc gia thất bại" của IS cũng dẫn đến vụ đánh bom xe tuần trước đã giết chết hàng chục tân binh tại một học viện cảnh sát ở thành phố ven biển Zliten, cách thành phố Sirte khoảng 200 dặm về phía tây. Học viện cảnh sát Zliten được phương Tây tài trợ, theo kế hoạch hòa bình mà Liên Hợp Quốc làm trung gian môi giới.
Mưu đồ chuyển địa bàn hoạt động sang Libya
Hiện có nhiều đồn đoán rằng ban lãnh đạo IS ở “thủ phủ” Raqqa (Syria) đang có kế hoạch để củng cố các vị trí ở Libya như một sự lựa chọn thay thế, khi Nhà nước Hồi giáo đang liên tục bị giáng đòn đau ở Iraq và Syria. Phiến quân IS khoe đã kiểm soát được ba tỉnh ở Libya hồi tháng 10/2014.
Tuy nhiên, nhà phân tích Wehrey nói rằng nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo khó bành trướng ở Libya như ở Syria và Iraq. Ông nói: "Libya khác Iraq và Syria ở nhiều khía cạnh”. Theo ông, phiến quân IS khó có thể dựng lên một cái gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Libya.
Về khả năng IS khai thác dầu mỏ Libya, nhà phân tích Wehrey nói rằng tổ chức khủng bố này sẽ phải đối mặt với một số trở ngại lớn – trong đó có một bờ biển theo dõi chặt chẽ, đường ống bị phá hủy và thiếu các phương tiện đầu ra. Ông nói thêm rằng phiến quân IS “không có những đoàn xe vận chuyển dầu" như ở Syria và Iraq để buôn lậu dầu mỏ.
Phiến quân IS ở Libya đang tìm cách khắc phục những nhược điểm nói trên. IS đang tuyển dụng kỹ sư dầu khí và các chuyên gia khác trong số hàng ngàn người Libya lại thất nghiệp bởi những biến động trong lĩnh vực dầu mỏ. Nhưng chuyên gia Wehrey nói rằng đây là nỗ lực tuyệt vọng vì IS không thể tìm được khách hàng tiêu thụ nhiều dầu lậu như ở Iraq và Syria.
Các chuyên gia khác lại cho rằng một phần đáng kể dầu mỏ IS ở Iraq và Syria được bán trong nội bộ và tổ chức khủng bố này cũng sẽ tìm cách làm như vậy ở Libya.
Minh Châu (Theo CSMonitor)