Theo nhiều nguồn tin địa phương, ông Ceasar Taccad - Phó tư lệnh Hải quân Philippines cho biết lực lượng này đã bắt đầu những công việc chuẩn bị cần thiết có thể kéo dài cả thập kỉ để xây dựng một hạm độ tàu ngầm hiệu quả.
Ông Taccad cho hay: “Xây dựng lực lượng tàu ngầm cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị. Thời gian để phát triển các cơ sở phụ trợ, nhân công và công nghệ để xây dựng một hạm đội như vậy là 10 năm. Hiện nay thì chúng ta nên bắt đầu từ khi nào? Nên là bây giờ để 10 năm sau chúng ta đã có được chúng”.
|
Chuẩn đô đốc hải quân Philippines Ceasar Taccad |
Ông Taccad cũng tiết lộ rằng Hải quân Philippines đã tạo một bộ phận chuyên về tàu ngầm vào năm 2013 để phục vụ cho việc tạo dựng hạm đội tàu ngầm.
Vị phó tư lệnh này cũng cho biết Philippines thực sự mong muốn có được ít nhất 3 chiếc tàu ngầm nhưng hạn chế về tài chính có thể giới hạn con số này xuống còn2.
Ông Taccad giải thích: “Nếu không thể chi trả cho 3 chiếc, hãy làm 2 chiếc giống như việc mua 2 tàu khu trục và 2 tàu đổ bộ chiến lược để chúng có thể thay thế vị trí của nhau trong quá trình bảo dưỡng. Nếu như chỉ mua 1 chiếc và sử dụng nó liên tục thì tàu ngầm sẽ chỉ có thể sử dụng trong 5 năm”.
Trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên biển Đông, Philippines đã chi 925 triệu USD trong việc hiện đại hóa cơ sở quân sự kể từ khi Tổng thống Benigno Aquino lên nắm quyền vào năm 2010.
Vì vẫn còn là một trong những nước có quân đội yếu nhất trong khu vực, tháng trước ông Aquino đã tuyên bố sẽ chi thêm 2.01 tỷ USD để hiện đại hóa nền quốc phòng cho đến năm 2017.
Phần lớn trong số đó, bao gồm cả những chiếc tàu ngầm, sẽ được dùng để ngăn chặn Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.
Philippines không phải là nước duy nhất làm điều này, khi mà nhiều quốc gia trên khắp châu Á cũng đang chuẩn bị mua tàu ngầm để ngăn chặn sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc.
Nhật Bản từ lâu đã sở hữu một hạm đội tàu ngầm, và đang trong quá trình sản xuất 10 tàu ngầm lớp Soryu. Cũng đang có nhiều khả năng Australia sẽ mua nhiều tàu ngầm lớp này từ chính Nhật Bản. Hàn Quốc cũng đã duy trì một hạm đội tàu ngầm từ lâu và đang được mở rộng nhanh chóng, và Đài Loan thì đang chuẩn bị đóng tàu ngầm trong nước.
Ngay cả trước khi Philippines đưa ra quyết định, vùng biển Đông Nam Á đã ngày càng đông đúc với ngày càng nhiều hạm đội tàu ngầm xuất hiện tại đây sau nhiều năm. Cả 3 quốc gia xung quanh eo biển Malacca gồm Singapore, Malaysia và Indonesia đều vận hành tàu ngầm, và có lẽ là đáng chú ý nhất, ít nhất là đối với Trung Quốc, Việt Nam đang chi 2.6 tỉ USD để mua 6 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga.
Hiện vẫn chưa có thông tin về việc Philippines sẽ mua tàu ngầm từ nước nào.
Phong Đức